Anh Trương Thái Sơn nhận bằng khen tại Lễ tuyên dương Gương điển hình tiên tiến của Tổng công ty Điện lực TP.HCM |
Với dáng người nhỏ thó và giản dị, anh Sơn có đến 30 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục tỷ đồng cho đơn vị trong 14 năm qua. Rất khiêm tốn, anh Sơn cho biết, sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị là động lực để anh đạt được kết quả này.
Cái khó… ló cái khôn
Xuất phát từ một công nhân sản xuất trực tiếp tại Nhà máy Điện Chợ Quán, năm 2001, anh Sơn chuyển sang công tác tại Tổ Quản lý lưới điện 1 - Đội Quản lý lưới điện Quận 5 thuộc Công ty Điện lực Chợ Lớn. Với tính cẩn thận, làm việc có trách nhiệm nên tháng 7/2007, anh được lãnh đạo Công ty tin tưởng giao giữ chức vụ Tổ phó Tổ Quản lý lưới điện 1.
Với vai trò của người quản lý, anh luôn gương mẫu trong công tác, việc gì cũng xắn tay làm, gặp những trường hợp khó xử lý anh đều nghiên cứu thật cẩn thận để tìm cách tháo gỡ, đồng thời không quên tham khảo ý kiến đồng nghiệp và những người đi trước. Với anh, tập thể và sự đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn và đạt kết quả tốt nhất trong công tác.
Năm 2006, anh có nhiệm vụ trực tiếp sửa chữa, tiểu tu lưới điện. Khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, anh gặp nhiều khó khăn vì vật tư, thiết bị không đồng bộ, dụng cụ đồ nghề không ổn định như: pin của kìm ép thủy lực bị chai, không có pin thay thế, đồng thời thiết bị đó bị xì dầu sau một thời gian dài sử dụng, làm chậm quá trình đấu nối đường dây thiết bị, kéo dài thời gian thi công.
Bằng kinh nghiệm và sự tìm tòi, sáng tạo, anh đã nghiên cứu và thay thế pin bằng ắc quy khô cho máy ép thủy lực. Kết quả, không những làm “sống” lại thiết bị mà còn tăng năng suất lao động. Cụ thể, một pin mới sử dụng cho kìm ép thủy lực chỉ ép được từ 10 - 15 lần/1 lần sạc, trong khi dùng ắc quy khô sẽ ép được từ 60 - 70 lần/1 lần sạc. Với sáng kiến này, anh đã tiết kiệm được gần 50 triệu đồng chi phí mua sắm mới thiết bị cho đơn vị.
Động lực trở thành “Vua sáng kiến”
“Sau khi sáng kiến “Giải pháp thay thế pin ép điện cầm tay với mạch bảo vệ chống ngược cực khi dùng làm nguồn cho kìm ép pin, kết hợp ắc quy khô thích hợp” được công nhận để ứng dụng rộng rãi trong đơn vị, các đồng chí trong Ban Giám đốc lên bắt tay chúc mừng, động viên tôi cố gắng khắc phục những khó khăn chung của ngành điện lúc bấy giờ để làm sao bảo đảm điện cung cấp cho khách hàng được tốt nhất. Tôi mừng lắm và tự nhủ phải luôn cố gắng để không phụ sự tin tưởng của Ban Giám đốc đơn vị”, anh Sơn kể lại.
Anh Trương Thái Sơn đã có 30 sáng kiến cải tiến trang thiết bị vật tư, phục vụ sản xuất kinh doanh |
Được lãnh đạo ghi nhận và đánh giá cao đã tạo động lực cho 29 sáng kiến tiếp theo của anh ra đời trong 14 năm qua. Có những năm anh Sơn có tới 4 sáng kiến được công nhận như năm 2009 với các sáng kiến: “Cải tiến lò xo, chốt định vị lò xo và ống kìm của kìm cắt cáp hiệu Tai Cheng”; “Sử dụng kẹp treo cáp ABC 4x50 mm2 cải tiến thành kẹp dừng cáp muller 3*22 + 1x11 mm2 hoặc 3*38 + 1x22 mm2”; “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kìm ép thủy lực 12T dùng pin”; “Thay CB 300 Amp (size Cb 300 Amp lớn, tồn kho tận dụng) vào hộp đựng CB 250 Amp”. Trong đó, riêng sáng kiến “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kìm ép thủy lực 12T dùng pin” đã làm lợi cho đơn vị 500 triệu đồng.
Sáng kiến gần đây nhất của anh là “Cải tiến xử lý sự cố cách đấu nối hộp cáp ngầm trung thế để phục vụ cho công tác sửa chữa, quản lý lưới điện, công tác ngầm hóa công trình lưới điện tại Quận 5”. Sáng kiến này nhằm cải tiến cách xử lý sự cố trong đấu nối cáp ngầm trung thế, giúp giảm thời gian và công sức khi thực hiện ngầm hóa lưới điện, quản lý vận hành lưới điện, góp phần giảm thời gian mất điện cho khách hàng. Sáng kiến này làm lợi cho đơn vị khoảng 50 triệu đồng.
Với 30 sáng kiến cải tiến trang thiết bị vật tư, phục vụ sản xuất kinh doanh, có thể coi anh Trương Thái Sơn là người có khả năng điều khiển các thiết bị chuyên ngành, biến chúng từ những thiết bị hư hỏng hoặc có nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quá trình thi công trở thành các thiết bị phục vụ tốt nhất cho công tác chuyên môn.
Làm việc bằng cái tâm
Về những kết quả đạt được, anh Trương Thái Sơn chia sẻ: “ Trong bất cứ công việc gì, khi mình làm xuất phát từ lòng yêu nghề, bằng cái tâm thì điều tốt đẹp sẽ đến. Bạn sẽ cảm thấy tự hào với việc mình đang làm”.
Đây cũng là điều anh Sơn thường nhắc nhở những thế hệ công nhân trẻ của EVNHCMC. Anh Sơn chia sẻ: “Trong công tác được giao hàng ngày, luôn gần gũi tiếp xúc với các đồng nghiệp, công nhân trẻ để biết được anh em nào yếu về tay nghề, lý thuyết về kỹ thuật an toàn điện, thường xuyên hướng dẫn, kèm cặp, nhiệt tình chỉ dẫn các nhân viên mới thực tập và các anh em bậc thấp để nắm bắt công việc, cùng nhau thực hiện công tác tốt hơn. Ngoài ra, tôi luôn nhắc nhở anh em đồng nghiệp giữ uy tín của ngành điện, nâng cao thương hiệu EVN”.
Thợ điện là một nghề luôn đối diện với nguy hiểm, do đó anh Sơn luôn nhắc nhở các đồng nghiệp phải xem trọng việc trang bị an toàn nơi làm việc. Trước khi công tác phải có ý thức kiểm tra thực hiện tiếp địa, rào chắn nơi công trường, có trách nhiệm giám sát, bảo vệ lẫn nhau cũng như bảo vệ cộng đồng trong quá trình sửa chữa, thi công lưới điện.
Là người chỉ huy trực tiếp nên anh Sơn thường xuyên kết hợp với Tổ Công đoàn, bộ phận tuyên truyền trong đơn vị vận động anh em công nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, trung thực, xây dựng tinh thần đoàn kết tốt ở Tổ, Đội; chịu khó đọc thêm sách để vững chuyên môn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để sống giản dị và khiêm tốn hơn.
Với những thành tích đạt được, anh Trương Thái Sơn đã vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong Đại hội thi đua yếu nước toàn quốc lần này. Trước đó, anh được nhận các danh hiệu các quý khác như: Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 14; 3 lần nhận bằng khen của Bộ Công Thương; 4 lần nhận bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động; bằng khen của UBND TP.HCM “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2014...