Môi trường kinh doanh tiếp tục là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh (ảnh internet) |
Niềm tin về môi trường kinh doanh
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quý I/2019, bức tranh kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng. Một trong số đó là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo niềm tin cho người dân, DN tiếp tục “đổ” vốn vào sản xuất kinh doanh. Kết thúc quý I, số lượng DN thành lập mới tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. “Chúng ta nhớ lại, quý I/2017 cả nước chỉ có 26.478 DN thành lập mới, quý I/2018 là 26.785 DN, nhưng quý I/2019 cả nước có trên 28.400 DN thành lập mới. Số lượng DN đăng ký thành lập cao hơn chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn”, ông Lâm so sánh.
Đặc biệt theo ông Lâm, điểm sáng trong môi trường kinh doanh càng thể hiện rõ khi trong quý I, số lượng DN quay trở lại hoạt động nhiều nhất so với cùng kỳ các năm. Cụ thể, trong quý I/2019, cả nước có hơn 15.050 DN quay trở lại hoạt động, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có hơn 8.000 DN quay trở lại thị trường. “Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay tốt hơn nên sau thời gian khó khăn các DN tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động với mức cao nhất như vậy”, ông Lâm nói.
Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, ước trong quý I, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 6.339 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 52,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong quý cũng có 2.470 DN quay trở lại hoạt động…
Với số lượng DN gia nhập thị trường tăng cao trong quý I, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) TP. Hà Nội nhận định: “DN quay trở lại thị trường tăng phản ánh đúng bức tranh kinh tế hiện nay”. Theo chuyên gia này, năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc mở rộng cơ hội thị trường, bởi trong khối không có nhiều ngành hàng, lĩnh vực kinh tế cạnh tranh với DN trong nước. Hơn nữa, năm 2018, nhiều sản phẩm, mặt hàng của DN Việt Nam đã được định vị trên thị trường quốc tế cũng như nội địa như: cà phê, dệt may…, làm tăng niềm tin đối với nhà đầu tư. Song quan trọng hơn, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết được cắt giảm.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Đầu tháng 1/2019, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 1/12/2015 của Bộ KH&ĐT hướng dẫn về đăng ký DN với nhiều điểm mới như: Thông tin nào DN không bắt buộc phải kê khai sẽ được ghi chú (nếu có); DN không còn phải liệt kê các giấy tờ gửi kèm (giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN…).
Đặc biệt, trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN hiện nay, Bộ KH&ĐT đã rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). Trong Dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa xuống còn 15 - 17%, thay vì 20% như hiện nay.
Đối với những rào cản hiện nay như: Chi phí không chính thức, tham nhũng vặt nhũng nhiễu DN…, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy Chính phủ điện tử nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong các giao dịch.
“Nếu tất cả những cải cách này được thực hiện sẽ tạo thêm một bước tiến lớn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cho DN”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, làn sóng cải cách kinh tế thứ 2 đang bắt đầu trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là làn sóng xuất phát từ yêu cầu của người dân, DN và hướng đến chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà là nhiệm vụ của toàn bộ người dân và DN. “Các DN cần chung tay với Chính phủ trong việc phát hiện ra những thủ tục bất hợp lý… đang ảnh hưởng đến hoạt động của mình, từ đó đưa ra những kiến nghị với Chính phủ. Đây là một trong những giải pháp để tạo niềm tin cho DN thành lập và quay trở lại thị trường nhiều hơn”, ông Lộc nói.