Kinh phí cho trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh của các đô thị là rất lớn, đặc biệt là TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên |
Tại sao một đô thị lớn nhất cả nước với số lượng gói thầu chăm sóc, duy tu cây xanh chiếm kinh phí lớn hàng năm lại “muốn” trở về với thời kỳ đặt hàng, giao kế hoạch, dù trước đó đã khẳng định tính hiệu quả của việc áp dụng đấu thầu?
Từng khẳng định minh bạch, hiệu quả
Theo Sở GTVT TP.HCM, công tác chăm sóc cây xanh đô thị được thực hiện theo hình thức đấu thầu từ rất lâu. Từ năm 2004, UBND TP.HCM đã quy định hình thức đấu thầu rộng rãi để thu hút các thành phần kinh tế cung ứng dịch vụ bảo quản công viên, dịch vụ trồng và quản lý cây xanh.
Bên cạnh đó, chính UBND TP.HCM cho biết thêm, địa phương này còn đang hướng tới chủ trương xã hội hóa để các doanh nghiệp hay đơn vị tự quản, tự tôn tạo và khai thác các dịch vụ liên quan. Theo đó, đại diện UBND TP.HCM khẳng định, qua tính toán đơn giá, xác định cụ thể chi phí cho thấy, kinh phí cho việc trồng, chăm sóc cây xanh của TP.HCM đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.
Cuối năm 2017, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, chuẩn bị kịp thời, chu đáo cho công tác tổ chức Hội Hoa Xuân và Chợ Hoa Tết năm 2018, UBND TP.HCM đã chấp thuận tạm thời chưa tổ chức đấu thầu duy tu cây xanh tại các công viên Tao Đàn, Gia Định và Lê Văn Tám. Việc tổ chức đấu thầu duy tu cây xanh tại ba công viên này sẽ được tổ chức chậm nhất trong đầu quý II/2018.
Chỉ đạo này của UBND TP.HCM còn khẳng định, đối với công tác duy tu hệ thống cây xanh đô thị, trước mắt đấu thầu công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị tại các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ từ ngày 2/1/2018.
Tại sao không thực hiện đấu thầu?
Ngày 7/12/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu sau một năm đấu thầu, Sở GTVT tổng kết đánh giá kết quả, hoàn thiện công tác đấu thầu để làm cơ sở triển khai ở các quận, huyện còn lại. Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM về nội dung này vừa được công bố đã khiến nhiều nhà thầu trong lĩnh vực duy tu, chăm sóc cây xanh tại TP.HCM vô cùng bất ngờ.
Sở GTVT TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương cho phép Sở không thực hiện đấu thầu, mà sẽ thực hiện theo phương thức đặt hàng đối với công tác quản lý, chăm sóc và bảo dưỡng thường xuyên cây xanh bóng mát tại các quận nội thành (bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp) là khu vực tập trung nhiều cây xanh cao, lớn và mật độ dân cư đông.
Theo lý giải của Sở GTVT TP.HCM, qua việc đánh giá công tác đấu thầu đối với công tác quản lý, chăm sóc cây xanh bóng mát tại các quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ năm 2018, Sở nhận thấy có một số khó khăn. Đó là khối lượng cây xanh bóng mát thường xuyên biến động trong quá trình quản lý, chăm sóc do thực hiện các công tác đốn hạ, giải tỏa, nâng loại, trồng mới, khi đấu thầu khó có thể dự trù được khối lượng một cách chính xác nên thường xuyên phải điều chỉnh, gây khó khăn cho nhà thầu và chủ đầu tư.
Ngoài ra, theo Sở GTVT, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những thay đổi khó dự báo nên thường xuyên phải thực hiện các công tác ứng phó, phòng chống... cần phải huy động cùng lúc nhiều nhân công, xe máy, thiết bị, làm phát sinh thêm các khối lượng như cắt, mé, giải tỏa... Những công tác này không thể dự trù được hết trong hợp đồng đấu thầu nên việc huy động nhân lực, xe máy và điều chỉnh các khối lượng phát sinh sẽ khó khăn và mất thời gian hơn so với công tác đặt hàng.
Hai lý do chính để Sở GTVT TP.HCM đề xuất không tổ chức đấu thầu chăm sóc cây xanh dường như đang đi ngược lại với chính những khẳng định trước đây của UBND TP.HCM về hiệu quả của việc đấu thầu thực hiện công tác này. Về phía các nhà thầu, chủ trương đấu thầu đã mở rộng cánh cửa cạnh tranh, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi nhà thầu. Nếu quay lại chủ trương đặt hàng, giao kế hoạch, nỗi lo “độc quyền”, “thâu tóm” trong lĩnh vực này lại ám ảnh hơn bao giờ hết. “Chúng tôi quan ngại việc trở về với giao kế hoạch, khi đó sự cạnh tranh trong lĩnh vực duy tu cây xanh tại TP.HCM sẽ không còn tồn tại. Và các đơn vị dịch vụ công ích sẽ lại tiếp tục bám víu vào kinh phí của những gói thầu này đề tồn tại”, một nhà thầu khẳng định.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh, cảnh quan cho biết, kinh phí cho việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh của các đô thị là rất lớn, đặc biệt là TP.HCM. Do đó, TP.HCM càng cần nỗ lực để duy trì môi trường cạnh tranh để các nhà thầu thi thố bằng năng lực với nhau. Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần nâng cao tính chuyên nghiệp cho các bên mời thầu/chủ đầu tư lẫn nhà thầu, đặc biệt là các yêu cầu về kỹ thuật, tính dự báo. “Việc đề xuất không tổ chức đấu thầu, theo chúng tôi là sẽ tiềm ẩn nhiều khía cạnh thiếu cạnh tranh, minh bạch trong lĩnh vực công ích này”, một chuyên gia bình luận.