Đi một mình, khởi nghiệp khó thành

(BĐT) - “Đã đến lúc doanh nghiệp (DN) phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng trên cơ sở sáng tạo, minh bạch, hướng tới phát triển bền vững. Giờ phải xác định rằng, thời kỳ làm ăn chụp giật, dựa vào quan hệ rồi sẽ qua. Nhà nước đột phá về thể chế thì DN phải đột phá về quản trị. Đó mới là vấn đề gốc rễ”. 
Đi một mình, khởi nghiệp khó thành

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.

Ông suy nghĩ gì về sức khỏe của DN Việt Nam?  

Tính đến ngày 20/12/2016 cả nước có hơn 110 nghìn DN thành lập mới và 26.689 DN quay trở lại hoạt động, tăng lần lượt 16,2% và  43,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là những con số hết sức “sống động” về sự tăng trưởng của DN Việt Nam trong năm nay. Mặc dù 2016 là một năm đầy khó khăn, nào là hệ lụy từ những bất ổn của kinh tế thế giới, thiên tai dồn dập, sự tích tụ những khuyết tật về cơ cấu của nền kinh tế chưa được khắc phục và bộc lộ ngày càng rõ như nợ xấu, nợ công..., nhưng cũng là năm đầu tiên số lượng DN đăng ký thành lập mới vượt ngưỡng 100.000. Có thể nói, tinh thần cải cách của Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 đã thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy và khích lệ ý chí khởi nghiệp của cộng đồng.

Những cam kết mạnh mẽ về việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ; cộng với sự ra đời của các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đã thể hiện quyết tâm, tầm nhìn của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ DNNVV.

Không chỉ thể hiện trong ý chí, quyết tâm, Chính phủ còn trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương dỡ bỏ những rào cản hạn chế DN, người dân đầu tư, kinh doanh. Mặc dù mới chỉ là bước đầu, nhưng động thái  xóa bỏ và sửa đổi hàng loạt thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực như thép, khí, xuất nhập khẩu... của Bộ Công Thương là một minh chứng xác thực nhất.

Cùng với điểm sáng về số DN thành lập mới, số DN tạm ngừng kinh doanh có mức giảm đáng kể. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 40.750 DN, giảm 14.992 DN so với cùng thời điểm của năm 2015 (giảm 26,9%).

Dù vậy, con số này vẫn đáng lưu tâm và suy ngẫm. Ngoài những yếu tố khách quan, thủ tục hành chính nhiêu khê, tình trạng giấy phép con đang gây nhiều cản trở trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN. Để giải quyết bài toán sinh tồn, không ít DN đã phải chấp nhận “đi đêm”, gia tăng các chi phí không chính thức.

Do đó, hơn ai hết, DN và người dân đang rất mong mỏi Chính phủ sớm gỡ bỏ những rào cản này. Việc rà soát để ban hành một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh dù đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN. Đó mới chỉ là bước khởi đầu và vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Đi một mình, khởi nghiệp khó thành ảnh 1
Ông Vũ Tiến Lộc
Mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 căn cứ trên những cơ sở nào, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta không chỉ có gần 600.000 DN, mà còn có trên 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, chỉ 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể là có đăng ký chính thức. Còn nhiều triệu hộ kinh doanh đang hoạt động phi chính thức, thậm chí có hộ có tới vài trăm lao động, quy mô lớn hơn cả DN. Như vậy, tính phi chính thức trong nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Vấn đề là Nhà nước phải tạo được cơ chế khuyến khích để họ đăng ký trở thành DN.

Nếu họ trở thành DN, tính minh bạch tăng lên, tạo được niềm tin thì họ sẽ liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Thêm vào đó, minh bạch cũng là yếu tố để đạt chuẩn quản trị trong kinh tế toàn cầu.

Việt Nam được Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu trao giải Quốc gia khởi nghiệp năm 2016. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Tiếp tục phát huy tinh thần khởi nghiệp toàn dân cộng với nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và công bằng của Chính phủ, mục tiêu có ít nhất 5 triệu DN trong tương lai xa và 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được. 

Theo ông, đâu là vấn đề mang tính quyết định sự tồn tại của DN sau khi thành lập?

Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp sáng tạo còn khó hơn. Không ít những sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo vốn được đánh giá cao nhưng bị “chết yểu”. Phần lớn là do họ tự tin thái quá, làm việc một mình, trong khi thương trường cạnh tranh khốc liệt và đầu tư cho sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, đầy rẫy rủi ro. Đa số DN khởi nghiệp có quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, thiếu nguồn lực, yếu về quản trị và công nghệ.

Do đó, khi nghĩ đến thành lập DN, trước tiên, người khởi nghiệp phải tìm cách bắt tay với các nhà đầu tư mạo hiểm để làm chỗ dựa. Đó không chỉ là chỗ dựa về tài chính, mà còn là chỗ dựa về kinh nghiệm quản trị, kinh nghiệm thương trường, tận dụng mạng lưới phân phối để sản phẩm sáng tạo nhanh chóng bước ra và đứng vững trên thị trường. Con đường đi đến phồn vinh không thể sản xuất hộ nhỏ lẻ được nữa, mà phải gắn với liên kết chuỗi, làm ăn bài bản mới có thể cạnh tranh được với thế giới. Việc chủ động tiếp cận chính sách sẽ giúp người khởi nghiệp biến chính sách thành công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của mình. Và để khởi nghiệp thành công, không thể thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp. 

Với sự hoạt động của 1 triệu DN, ông dự đoán như thế nào về nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020?

Nói đến mục tiêu có được ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020 là chúng ta muốn nói đến 1 triệu DN của người Việt. Cuộc cách mạng công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 cánh của ngôi sao đang lên trong làng công nghệ số. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin và du lịch… đang là những lợi thế của Việt Nam.

Đại hội Đảng XII nhấn mạnh kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế đất nước và cũng đưa ra yêu cầu từ nay đến năm 2020, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo những chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Nghị quyết của Chính phủ xác định mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN 4 về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ tạo nên sức bật kinh tế mạnh mẽ và chúng ta kỳ vọng, Việt Nam sẽ đi vào lịch sử kinh tế thế giới không chỉ như là một điển hình thành công trong việc thực hiện tốt mục tiêu thiên niên kỷ, mà còn là một nền kinh tế thành công trên con đường xây dựng quốc gia khởi nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề