Mức phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được đề xuất từ 1.000 - 1.500 đồng/xe/km, bằng khoảng 50% mức thu của các tuyến cao tốc do nhà đầu tư BOT thực hiện. Ảnh: Lê Tiên |
Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, việc thu phí này là chủ trương đúng để bổ sung vào nguồn ngân sách hạn hẹp hiện nay. Tuy nhiên, mức thu, vị trí đặt trạm và thu ở những tuyến cao tốc nào thì cần phải hợp lý để người dân có sự lựa chọn.
Khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng Đề án Thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 2 phương án về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Vấn đề này thu hút được sự quan tâm đặc biệt vì liên quan đến rất nhiều bên: Nhà nước, người dân, nhà đầu tư các dự án BOT (đã và đang thu phí trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 - tuyến đường song hành với các tuyến cao tốc đang được đầu tư, dự kiến sẽ thu phí)...
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà quản lý cho biết, hiện nay, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Rất nhiều đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng không đặt trạm thu phí như: cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài… Không ít ý kiến quan ngại rằng, Nhà nước dùng ngân sách - tiền đóng thuế của người dân để đầu tư cao tốc, người dân có phương tiện lưu thông trên đường đã đóng phí bảo trì đường bộ… nay nếu thu phí khi lưu thông qua đường cao tốc thì sẽ tạo gánh nặng chi phí cho người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ủng hộ và khẳng định, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp, phí bảo trì mà người dân đóng góp theo đầu phương tiện là rất thấp so với chi phí duy tu, bảo trì. Để tạo “khung khổ pháp lý” cho việc thu phí thì phải sớm xây dựng và ban hành các quy định pháp luật ở cấp Luật, được Quốc hội thông qua.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc thu phí là cần thiết. Nếu không thu phí thì về lâu dài sẽ không có nguồn lực để tái đầu tư vào những tuyến cao tốc khác, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các tuyến cao tốc sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc thu phí này phải gắn với những điều kiện cụ thể, các tuyến đường cao tốc này phải là những tuyến đường đầu tư mới, đảm bảo chất lượng, dịch vụ hài lòng người sử dụng và phải cho người dân có sự lựa chọn trong lưu thông (không phải là những tuyến đường độc đạo). Trong tương lai, có thể Nhà nước sẽ dùng ngân sách để đầu tư, phát triển thêm nhiều tuyến cao tốc mới nữa nhưng lựa chọn tuyến cao tốc nào để đặt trạm thu phí thì cần cân nhắc kỹ.
Về đề xuất định mức phí từ 1.000 - 1.500 đồng/xe/km thì một số ý kiến cho rằng, định mức đơn giá này là khá “nhẹ nhàng”, chỉ bằng khoảng 50% giá thu hiện nay của các tuyến cao tốc do các nhà đầu tư BOT thực hiện. Trong khi đó, một số nhà đầu tư BOT bày tỏ quan ngại, mức thu này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phương án tài chính hoàn vốn các dự án BOT giao thông hiện nay. Lý do là nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư bằng ngân sách nhà nước song song với Quốc lộ 1 (đang trong thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư). Khi áp dụng mức thu 1.000 - 1.500 đồng/xe/km sẽ tạo ra chênh lệch về giá vé, mức thu hiện hành của các đoạn tuyến Quốc lộ 1 hiện nay. Người dân sẽ “đổ xô” đi cao tốc vì giá lưu thông rẻ hơn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 sẽ sụt giảm nghiêm trọng và phương án tài chính để hoàn vốn đầu tư ban đầu sẽ bị phá vỡ. Vì thế, Nhà nước cần cân đối và hài hòa với mức thu phí hiện nay tại các trạm thu phí BOT, lường trước để có biện pháp xử lý phù hợp trong trường hợp các dự án BOT bị hụt thu nghiêm trọng.