Đề xuất EVN tiếp nhận 2 nhà máy điện BOT: Mức độ sẵn sàng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý và vận hành, kinh doanh theo hình thức ghi tăng vốn sau khi hết hạn hợp đồng. Trước đó, EVN và một tập đoàn kinh tế lớn khác cùng đề xuất được tiếp nhận 2 nhà máy. Vậy EVN đã chuẩn bị gì để tiếp nhận vận hành 2 nhà máy này?
Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam lần lượt vào năm 2024 và 2025. Ảnh: Tiên Giang
Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 và Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam lần lượt vào năm 2024 và 2025. Ảnh: Tiên Giang

Đề xuất của Bộ Công thương đưa ra sau khi thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng như góp ý của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về hướng dẫn thực hiện công tác tiếp nhận, chuyển giao với 2 dự án BOT.

Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng, do không có thẩm quyền giao một cơ quan, đơn vị tiếp nhận công trình, hệ thống hạ tầng để vận hành kinh doanh và bảo trì, nên nếu giao cho EVN là đơn vị tiếp nhận thì Bộ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Trường hợp giao cho EVN theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (DN) thì thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn cũng do Thủ tướng quy định.

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp các bộ ngành để thực hiện kế hoạch nhận chuyển giao và phương án tiếp nhận, xử lý 2 nhà máy. Đồng thời, đề xuất Thủ tướng đồng ý về chủ trương để giao cho EVN là đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành, kinh doanh, bảo trì công trình nhà máy sau khi chuyển giao.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) chủ đầu tư là Sembcorp, Kyuden International Corporation và Sojitz Corporation, bắt đầu vận hành thương mại từ 1/3/2004 với thời hạn 20 năm và được chuyển giao không bồi hoàn cho phía Việt Nam vào ngày 1/3/2024 sau khi kết thúc thời hạn theo hợp đồng. Nhà máy Nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 (Bà Rịa - Vũng Tàu), do EDFI, Summit Global Management II B.V và TEPCI là chủ đầu tư, dự kiến sẽ đến hạn chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi hết 20 năm hợp đồng vào ngày 4/2/2025.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao EVN chuẩn bị nhân lực, nguồn lực cần thiết và kinh phí có liên quan để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp nhận các nhà máy; tham gia vào các bước chuẩn bị tiếp nhận các nhà máy cùng Bộ Công Thương và các bộ, ngành.

Thông tin với Báo Đấu thầu, đại diện EVN cho hay, Tập đoàn sẵn sàng để tiếp nhận 2 nhà máy điện này. “Với kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, EVN bảo đảm tiếp nhận và vận hành Nhà máy BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 ngay từ thời điểm nhận bàn giao an toàn, ổn định và liên tục, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, EVN khẳng định. EVN mong muốn Chính phủ sớm có quyết định bàn giao cho Tập đoàn tiếp nhận các nhà máy này sau giai đoạn hết hợp đồng BOT.

Về công tác chuẩn bị, EVN dự kiến thành lập tổ tiếp nhận bao gồm lãnh đạo, thành viên thuộc các ban chuyên môn của Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc chạy thử, vận hành nhà máy điện và các cán bộ, nhân viên dày dặn kinh nghiệm về kỹ thuật, vận hành tua bin khí, tua bin hơi của các nhà máy điện. Tổ tiếp nhận sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai công việc cần thiết để chuẩn bị tiếp nhận bàn giao.

Tập đoàn dự kiến sử dụng các cán bộ chủ chốt từ Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức và điều động một số cán bộ giàu kinh nghiệm tại Nhà máy Điện Bà Rịa, các nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Phú Mỹ kết hợp với tiếp nhận nhân sự tại Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 có nguyện vọng tiếp tục làm việc tại nhà máy sau khi chuyển giao và tuyển dụng mới (nếu cần). Hơn nữa, EVN có công ty dịch vụ sửa chữa nhiệt điện làm chủ được công nghệ tương tự 2 nhà máy trên nên sẽ bảo đảm đủ năng lực thực hiện công tác bảo dưỡng.

Việc chuẩn bị nhiên liệu khí, hợp đồng dịch vụ kỹ thuật cũng sẽ được bảo đảm nhờ mối quan hệ lâu dài với các đối tác của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên liên quan.

Chuyên đề