Đề xuất chính sách phát triển doanh nghiệp “sếu đầu đàn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với mục tiêu tới năm 2025, Việt Nam có 15 doanh nghiệp (DN) tư nhân đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 20 DN vào năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất một loạt giải pháp chính sách để nuôi dưỡng, phát triển “sếu đầu đàn”. Mục tiêu này thể hiện tham vọng khẳng định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh mới.
Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng, từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng, từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Vẫn còn ít DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt

Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, mục tiêu Việt Nam có 1 triệu DN chưa đạt được bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng một điều thấy rõ khu vực DN Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể.

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có gần 760.000 DN. Tốc độ tăng DN bình quân giai đoạn 2016 - 2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng, từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực nhưng theo đại diện Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, đa số DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất… hầu như không có. Các DN quy mô lớn, có tính chất dẫn dắt phát triển của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, ở các nước, “sếu đầu đàn” chính là những đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với tham vọng trong giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ có thêm nhiều DN tỷ USD, làm “đầu kéo” phát huy nội lực phát triển kinh - tế xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Bộ KH&ĐT đặt mục tiêu tốc độ tăng số DN hoạt động đạt khoảng 15%/năm; tỷ lệ DN vừa và lớn chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030.

Nghiên cứu chính sách chuyên biệt

Để đạt mục tiêu trên, Bộ KH&ĐT đề xuất một loạt giải pháp nhằm nuôi dưỡng, phát triển các DN tư nhân quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế quốc gia.

Trước tiên là nghiên cứu ban hành chính sách phát triển nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô vừa và lớn. Sản phẩm của những DN này phải được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực cũng chính là thành công của quốc gia; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Viet Nam” tiến tới “Made by Viet Nam” khẳng định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng chính sách mua sắm công ưu tiên đối với các sản phẩm, dịch vụ do DN Việt Nam sản xuất. Lựa chọn thí điểm và phát triển mô hình hỗ trợ về thể chế và kết cấu hạ tầng đối với một số dự án công nghiệp ưu tiên do khu vực kinh tế tư nhân trong nước tiến hành trong một số lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng như: chế biến nông, lâm, thủy sản; thực phẩm; năng lượng… có ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến việc nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Nghiên cứu việc hình thành Liên đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam nhằm phát huy tối đa sức mạnh và nguồn lực từ DN tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần cụ thể hóa một số nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Tăng cường liên kết các DN tư nhân lớn trong nước hoặc khu vực DN tư nhân trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, các tập đoàn kinh tế ở nước ngoài trong quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và kinh doanh…

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là những giải pháp tốt để Việt Nam có nhiều hơn nữa các DN tỷ USD đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, khẳng định sức mạnh nội lực, tính tự cường của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.

Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh để có thể nuôi dưỡng, phát triển các DN quy mô lớn, tránh tâm lý DN sợ lớn, không muốn lớn. Theo hướng này, công cuộc cải cách thể chế cần được tiếp tục, trọng tâm là tạo thuận lợi cho khu vực DN tư nhân với môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn. Mọi thủ tục hành chính cần đơn giản hóa đến mức tối đa, các thiết chế bảo vệ doanh nghiệp cần phải tin cậy, hiệu quả.

Chuyên đề