Khu vực kinh tế tư nhân trong nước còn quá nhỏ, tăng trưởng với tốc độ chưa đủ để nhanh chóng khẳng định vai trò của mình. Ảnh: Nhã Chi |
Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu này khi đề xuất hướng cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn tới.
Tái cơ cấu tích cực và thực chất hơn
Tại Hội thảo Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra sáng 17/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Cung đánh giá: “Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn”. Đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện nhất định trên một số mặt. Mục tiêu, chỉ tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dự kiến sẽ cơ bản đạt được.
“Đến nay, chúng ta đã thay đổi, cải thiện nhất định về cách thức và chất lượng tăng trưởng. Đó là không còn sử dụng khai khoáng như một công cụ điều hành nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào cải cách và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thay vì nhờ vào mở rộng tín dụng và các gói kích thích kinh tế như giai đoạn 2006 - 2010. Hiệu quả đầu tư có cải thiện nhất định, năng suất lao động tăng đáng kể”, ông Cung chỉ ra.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từng bước từ khu vực phi chính thức sang chính thức, nhất là trong lao động. Khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm mạnh. Khu vực kinh tế tư nhân có sự khởi sắc hơn trước. “Một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã xuất hiện và đang dần chuyển từ chủ yếu kinh doanh bất động sản sang đa ngành nghề, lấy công nghiệp, công nghệ và phát triển dịch vụ chất lượng cao làm trọng tâm. Khu vực này cũng đang nỗ lực vươn lên để cạnh tranh quốc tế”, một chuyên gia dẫn chứng.
3 trọng tâm tái cơ cấu kinh tế đều chuyển động tích cực. Tái cơ cấu đầu tư cho thấy, đầu tư xã hội có sự phục hồi, đạt mục tiêu đề ra. Đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh; hơn ¼ vốn đầu tư xã hội tập trung vào chế biến, chế tạo và tăng từ 25% giai đoạn 2011 - 2015 lên hơn 28% giai đoạn 2016 - 2017. Về tái cơ cấu thị trường tài chính, hiện nợ xấu đã được xử lý một bước và thực chất hơn; thực trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng cơ bản được xử lý… Hiện đã thu hẹp được diện DN 100% vốn nhà nước.
Hãy để doanh nghiệp tư nhân “có tham vọng” lớn lên
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, vẫn còn không ít vấn đề đáng quan ngại. Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế diễn ra nhanh theo hướng mất cân bằng giữa kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Kinh tế tư nhân trong nước còn quá nhỏ; tăng trưởng với tốc độ chưa đủ lớn để nhanh chóng khẳng định vai trò của mình; khu vực kinh tế hộ kinh doanh cá thể, phi chính thức còn nhiều. Khu vực DNNN đang giảm sút, không tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Trong khi đó, DN FDI tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh, chiếm 1/5 GDP, ¼ tổng đầu tư xã hội…”, ông Cung phân tích.
Ở góc độ chuyển đổi cơ cấu xuất nhập khẩu, Báo cáo Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ, xét về tổng thể, nền kinh tế nước ta hướng ngoại mạnh, nhưng khu vực kinh tế trong nước đang có xu hướng hướng nội hơn hướng ngoại; thụ động hơn là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. “Nếu hướng ngoại vẫn là một yêu cầu không thể thiếu đối với phát triển kinh tế đất nước thì xây dựng kinh tế tư nhân trong nước trở nên cạnh tranh hơn, hướng ngoại hơn và chủ động hội nhập hơn đã và đang trở thành nhân tố quyết định”, Báo cáo đặt yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng mất cân bằng này, một số ý kiến đưa ra tại Hội thảo cho rằng, khắc phục không có nghĩa là kìm hãm, là hạn chế đầu tư nước ngoài mà phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn lên, phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay.
Nêu giải pháp hóa giải tình trạng DNTN Việt Nam sợ, không muốn lớn và nếu muốn lớn thì cũng không lớn lên được (trừ một số trường hợp ngoại lệ), ông Cung cho rằng, để nuôi dưỡng tham vọng lớn lên của DN, trước tiên DN không chỉ tự do kinh doanh mà còn cần đảm bảo được an toàn trong hoạt động kinh doanh, nhất là bảo vệ hữu hiệu quyền tự do kinh doanh, giúp họ có niềm tin và cảm thấy an toàn, từ đó liên tục mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh.
Cụ thể hơn, đó là xây dựng hệ thống pháp luật rõ ràng, ổn định và dự đoán được kết quả thực hiện để DN có lòng tin, tuân thủ và sử dụng pháp luật. Lập nhóm công tác chuyên trách (chủ yếu gồm luật sư và chuyên gia độc lập) rà soát, sửa đổi bổ sung pháp luật về đầu tư kinh doanh, trình Quốc hội theo đúng nội dung và tinh thần Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh… Đặc biệt, đề xuất thiết lập Tòa Bảo Hiến để bảo vệ và thực thi các quyền của người dân, DN theo quy định của Hiến pháp.