Đề xuất 5 quan điểm, 5 khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

(BĐT) - Sáng 29/9, Hội thảo khoa học "Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" được Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Theo đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch, Dự thảo Quy hoạch đã dần định hình với quan điểm chung phát triển Thủ đô đến năm 2030 cơ bản thành Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện cho đơn vị đứng đầu liên danh tư vấn lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội trình bày những nội dung chủ yếu của dự thảo đồ án. Định hướng Quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt dựa trên triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội mà trong đó, các yếu tố văn hoá, văn hiến, văn minh Thăng Long - Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt khi xây dựng bất kể phương án quy hoạch nào.

5 quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội cũng được các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đưa ra. Trong đó, yếu tố hàng đầu là phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm; tạo dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nhân tố con người sẽ được phát huy, lấy vai trò làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và là mục tiêu của phát triển; lấy lợi ích của đa số và vì sự phát triển Thủ đô trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích các bên làm tiêu chuẩn cho sự thay đổi. Các giá trị văn hoá, lịch sử được tôn trọng, giữ gìn, tôn tạo, khai thác và phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển bền vững, được phát triển ngang tầm với kinh tế…

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong 5 khâu đột phá đưa ra, ngoài những “trụ cột” cơ bản về thể chế, quản trị; hạ tầng kết nối và nguồn lực, đề xuất thêm 2 nội dung: Đô thị và dịch vụ bất động sản; môi trường và cảnh quan. Trong đó, về yếu tố môi trường và cảnh quan, việc khai thác không gian hồ và các dòng sông được kỳ vọng vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh, sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị.

Với 3 kịch bản phát triển kinh tế đưa ra, cơ cấu kinh tế Hà Nội trong tương lai vẫn được xác định phát triển dịch vụ - là khu vực trụ cột đóng góp phần lớn cho sự phát triển của Thủ đô, gồm dịch vụ đô thị, logistics, di sản văn hoá, tài chính ngân hàng và dịch vụ bất động sản.

Công nghiệp Hà Nội giữ vai trò ổn định, dẫn dắt sản xuất công nghiệp trong vùng, đi vào công nghệ cao, đặc biệt dẫn đầu về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nông nghiệp Hà Nội được phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái, kết hợp với du lịch chứ không phải là nông nghiệp thương phẩm thông thường và phải tạo ra sản phẩm mang tính dẫn dắt.

5 vùng kinh tế - xã hội của Hà Nội được xác định gồm: Vùng đô thị Nam sông Hồng gồm 2 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng 1 có 6 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy - khu vực trung tâm hành chính quốc gia. Tiểu vùng 2 gồm 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì và Hoài Đức.

Vùng thứ hai là vùng Bắc sông Hồng, gồm 4 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh và Mê Linh, hình thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Khu vực thứ ba là vùng Tây Nam Thủ đô, gồm 6 huyện, thị xã: Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ.

Vùng phía Nam Thủ đô gồm 5 huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thanh Oai và Mỹ Đức. Vùng phía Bắc Thủ đô gồm khu vực Nội Bài và huyện Sóc Sơn.

5 không gian phát triển đô thị gồm: Đô thị trung tâm, gồm 2 tiểu vùng phía Nam và Bắc sông Hồng; đô thị Hoà Lạc, định hướng phát triển thành phố khoa học - đào tạo; đô thị Sơn Tây - Ba Vì phát triển văn hoá du lịch; đô thị phía Bắc gồm Sóc Sơn và một phần Đông Anh, một phần Mê Linh; đô thị phía Nam gồm Phú Xuyên, Ứng Hoà khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

Đồ án Quy hoạch cũng đã nêu 5 khuyến nghị về cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch, trong đó có khuyến khích người dân di dời chỗ ở, các trường đại học, bệnh viện để giảm tải cho khu vực nội đô; khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư khoa học công nghệ; cơ chế đối với nông nghiệp Thủ đô và sử dụng mặt nước, bãi ven sông.

Chuyên đề