Đẩy mạnh tín dụng vào nền kinh tế: Tiền chờ tín hiệu thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, cao hơn so với mức dự báo 12 - 14% của một số tổ chức nghiên cứu. Con số định hướng này cho thấy thông điệp điều hành “sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế”, nhưng triển vọng đạt được mục tiêu vẫn khó dự đoán, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa rõ đà phục hồi.
Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến hết năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,7%, tương ứng khoảng 1,5 triệu tỷ đồng đã được đưa vào nền kinh tế, thấp hơn không đáng kể so với mức tăng trưởng 14,18% của năm 2022.

Tại Chỉ thị 01/CT- NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024, NHNN cho biết, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu TCTD kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến 15% nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ được tăng thêm vào năm 2024.

Trong khi đó, theo dự đoán của một số tổ chức nghiên cứu, tăng trưởng tín dụng năm 2024 chỉ ở mức 12 - 14%. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 12% với áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi. Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13 - 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,9% và dựa trên đà hồi phục của tín dụng bất động sản.

Tại Báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng 2024 vừa công bố, SSI Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi lên mức 14%. Điều này được hỗ trợ một phần bởi lãi suất cho vay giảm. Dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và FDI, các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa và công nghiệp hỗ trợ).

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%. Ảnh: Lê Tiên

Ngoài ra, SSI Research nhận thấy, các chủ đầu tư bất động sản có nhu cầu vay tái cấp vốn cho các lô trái phiếu đến hạn năm 2024 với tổng giá trị khoảng 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 20% dư nợ tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản trong năm 2023). Đây có thể là một động lực của tăng trưởng tín dụng năm 2024, trừ trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra, kiểm soát nghiêm ngặt các khoản cấp tín dụng chéo đối với các bên liên quan và các công ty vệ tinh.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được NHNN công bố, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024. Các TCTD đánh giá, nhu cầu tín dụng sẽ cải thiện mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024, do đó kỳ vọng “cải thiện” tốt hơn trong tổng thể năm 2024 so với năm 2023.

Các lĩnh vực kinh tế được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 theo đánh giá của các TCTD tại kỳ điều tra gần nhất gồm: bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; sản xuất thức ăn và đồ uống. Cũng theo đánh giá của các TCTD, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng là diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, rất khó dự đoán bởi phụ thuộc vào đà hồi phục của kinh tế thế giới, do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào xuất nhập khẩu. Đến thời điểm này, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn khó đoán định.

“Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và nhu cầu tiêu dùng trên thế giới cải thiện thì có thể kỳ vọng khả quan. Ngược lại, nếu lãi suất vẫn ở mức cao thì doanh nghiệp ngại vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng ngại vay tiêu dùng và vay đầu tư”, ông Huân nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tăng trưởng tín dụng chịu ảnh hưởng khá lớn từ đà hồi phục của lĩnh vực xuất khẩu và thị trường bất động sản. Trong khi đó, triển vọng kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái hay không, suy thoái ở mức độ nào, hiện chưa có đủ dữ liệu để dự đoán xác đáng. Về thị trường bất động sản, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ song các chính sách vẫn có “độ trễ” nhất định để đi vào cuộc sống.

TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, mức tăng trưởng định hướng 15% và được giao hết từ đầu năm cho thấy thông điệp điều hành “sẵn sàng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế” hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không dễ đạt mức tăng trưởng này dù lãi suất đã giảm. Thực tế, lãi suất huy động thấp mà vẫn thu hút được lượng tiền gửi lớn cho thấy các kênh đầu tư và kinh doanh đang gặp khó khăn. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn chung, việc giải ngân tín dụng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng bởi ngân hàng cũng “sợ” nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN sẽ duy trì việc thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động giải ngân của các ngân hàng thương mại trong bối cảnh các kênh sản xuất kinh doanh gặp nhiều rủi ro.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, theo ông Thịnh, các ngân hàng nên có cơ chế cho vay theo dòng tiền, khả năng sinh lời của dự án thay vì chỉ cho vay theo tài sản đảm bảo. Đây cũng là cách các nước phát triển áp dụng từ lâu.

Chuyên đề