Nhiều biến số tăng trưởng tín dụng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù nhiều giải pháp thúc đẩy nguồn vốn tín dụng đã được thực hiện, song tăng trưởng tín dụng năm 2023 có thể chỉ ở mức 12%. Trong năm 2024, nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào đà hồi phục của kinh tế trong nước, chính sách tiền tệ của các nước lớn và khả năng hồi phục của thị trường bất động sản.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, DN khó chứng minh hiệu quả, tổ chức tín dụng (TCTD) rất khó khăn trong quyết định cho vay…

Ngay từ đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng như bảo đảm thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, đi hết năm 2023, tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt kế hoạch dự kiến (14%).

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ an toàn hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Theo bà Hằng, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Các DN cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV…

Tại báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 12% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 18,1% của cùng kỳ năm 2022.

Tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Tính đến ngày 13/12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 13 - 14% trong năm 2024 với kịch bản tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,9% và dựa trên một số yếu tố khác. Đó là: nền kinh tế đang có một số tín hiệu khởi sắc; Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ như Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội, góp phần thúc đẩy tín dụng cho thị trường BĐS; lãi suất cho vay giảm mạnh kích thích nhu cầu tín dụng.

Bên cạnh đó, các hoạt động cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng, mua nhà, mua xe… sẽ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp. Theo đó, các DN BĐS sẽ tiến hành giảm giá sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người mua thay vì ưu tiên lợi nhuận nhằm khơi thông dòng tiền. Điều này giúp kích thích tín dụng cho ngành BĐS. Tương tự, hoạt động cho vay tiêu dùng và mua ô tô cũng sẽ có chính sách tương tự nhằm tận dụng quãng thời gian lãi suất thấp được duy trì. MBS kỳ vọng kịch bản này sẽ bắt đầu từ đầu quý II/2024.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thì dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12% trong năm 2023 và tiếp tục duy trì mức này trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường BĐS chậm phục hồi. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và các DNNVV.

Về tăng trưởng tín dụng năm 2023 và dự báo năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, dù Chính phủ và NHNN đã có nhiều nỗ lực, nhưng gặp khó do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu. Theo ông Độ, tăng trưởng tín dụng 10 - 12% là tích cực trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở mức khoảng 5%. Mặt khác, các ngân hàng phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng nên khó có thể đẩy vốn mạnh mẽ khi nhiều DN vẫn còn nợ xấu ở mức cao.

Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong nửa đầu năm 2024, kinh tế thế giới vẫn chưa thể khởi sắc mạnh mẽ, kinh tế trong nước đã có xu hướng phục hồi song vẫn phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và các thị trường xuất khẩu lớn. Do đó, tăng trưởng tín dụng chưa thể tăng mạnh trong nửa đầu năm. Trong nửa sau của năm 2024, tăng trưởng tín dụng khó dự đoán bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là sự phục hồi của thị trường BĐS, khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, nếu thị trường vốn hồi phục tích cực sẽ góp phần giảm áp lực về vốn cho thị trường tín dụng. Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2024 chỉ ở mức vừa phải như năm 2023.

Chuyên đề