Đầu tư công 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam: Bảo đảm triển khai thành công toàn bộ dự án

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Mới đây Chính phủ đã đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đổi 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc Bắc - Nam từ phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Nếu được Quốc hội thông qua, số dự án trên tuyến Bắc - Nam phía Đông được đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ là 8/11 dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc chuyển 2 đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc chuyển 2 đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Lê Tiên

Tính đến thời điểm hiện tại, có 6/11 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách nhà nước. Tại bước sơ tuyển 5 dự án cao tốc thành phần theo phương thức PPP, dự án nào cũng có nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Tại Dự án thành phần cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng và cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng mức đầu tư khoảng 8.380 tỷ đồng, mỗi dự án đều có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Tuy nhiên, khi đưa ra đấu thầu rộng rãi, đã hết thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) vẫn không có nhà thầu nào nộp hồ sơ dự thầu (HSDT).

Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP cho thấy, có một số nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở nhiều dự án. Căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn theo đuổi dự án PPP nào để nộp HSDT. Theo kết quả đấu thầu, sau khi gia hạn thời điểm đóng thầu, Dự án thành phần cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp HSDT nhưng kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu; còn Dự án thành phần cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp HSDT.

Theo Bộ GTVT, việc chuyển đổi sang đầu tư công 2 dự án thành phần này sẽ làm phát sinh thêm vốn nhà nước đầu tư tại tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuy nhiên, phần phát sinh vốn nhà nước vẫn bảo đảm không vượt tổng vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Cụ thể, tổng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2017 - 2020 là 78.461 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và 23.461 tỷ đồng tại Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020). Kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là 89.201 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà nước là 77.940 tỷ đồng (đã tính phần vốn nhà nước sau khi chuyển 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công), nguồn vốn nhà đầu tư huy động để triển khai 3 dự án thành phần tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP là 11.261 tỷ đồng.

Đối với 2 đoạn tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, đến nay các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 92% khối lượng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để 2 dự án này có thể triển khai thi công ngay trong quý I, quý II năm 2021, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2023 đồng bộ với các dự án cao tốc thành phần khác từ Ninh Bình (Cao Bồ) đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2). Vì thế, việc chuyển đổi sang đầu tư công 2 đoạn tuyến cao tốc trên sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành của toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sớm đưa vào khai thác, qua đó sẽ đem lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội.

Bộ GTVT cho rằng, việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công 2 dự án cao tốc thành phần bảo đảm chắc chắn triển khai thành công toàn bộ dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Sau khi 2 dự án này hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án cao tốc thành phần đầu tư công của tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua).

Chuyên đề