Đấu thầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Lạm dụng yêu cầu về điều kiện địa lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Tư vấn cắm mốc giới theo đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 thuộc dự án cùng tên vừa bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật sau khi hoàn tất mở thầu ngày 6/1/2022. Quá trình mời thầu ghi nhận phản đối của nhiều nhà thầu xoay quanh yêu cầu về điều kiện địa lý tương tự được cho rằng cản trở sự tham gia của không ít nhà thầu.
Gói thầu Tư vấn cắm mốc giới theo đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 có giá dự toán 4,892 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm
Gói thầu Tư vấn cắm mốc giới theo đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP. Vũng Tàu đến năm 2035 có giá dự toán 4,892 tỷ đồng. Ảnh: Tường Lâm

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 4,892 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. Vũng Tàu, do Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng Liên Hiệp làm bên mời thầu.

Ngày 22/12/2021, phản ánh đến Chủ đầu tư, 2 nhà thầu có địa chỉ tại TP.HCM cùng quan điểm cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) có nhiều điểm bất cập, hạn chế sự tham dự của nhiều nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu ngoại tỉnh.

Theo đó, trong tiêu chuẩn đánh giá kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu tại Chương III, HSMT quy định đáp ứng kinh nghiệm đã thực hiện gói thầu cắm mốc giới tại khu vực địa lý tương tự, với thang điểm đánh giá chi tiết như sau: trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) đạt 5 điểm; khu vực khác đạt 3,5 điểm.

Đồng thời, đối với các vị trí nhân sự chủ chốt, HSMT cũng áp dụng điều kiện địa lý tương tự để đánh giá điểm kinh nghiệm ưu tiên. Theo đó, đối với Tư vấn trưởng, trường hợp đã thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh BRVT, đạt 6 điểm; khu vực khác đạt 4,2 điểm. Đối với Chủ trì cắm mốc, trường hợp đã thực hiện công việc tương tự trên địa bàn tỉnh BRVT, đạt 4 điểm; khu vực khác đạt 2,8 điểm.

Theo các nhà thầu, tiêu chí địa bàn cụ thể tạo ra cạnh tranh không bình đẳng đối với các nhân sự chưa có kinh nghiệm tương tự tại tỉnh BRVT. Đồng thời, cho dù việc quy định thang điểm đánh giá chi tiết không nhằm mục đích loại bỏ trực tiếp nhà thầu, song cơ cấu điểm kỹ thuật chiếm tỷ trọng 80% tổng số điểm, lớn hơn rất nhiều so với tỷ trọng điểm về giá.

Bên cạnh đó, HSMT cũng bị phản ánh chưa phù hợp với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng khi không có quy định cụ thể về hạng chứng chỉ tương ứng đối với các vị trí nhân sự chủ chốt.

Trước phản ánh từ phía các nhà thầu, Chủ đầu tư vẫn bảo lưu quy định về điều kiện địa lý tương tự. “Mục đích của yêu cầu này nhằm tìm kiếm được nhân sự có hiểu biết chính xác về đặc điểm địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng... tại địa điểm thực hiện Gói thầu, giúp công tác tư vấn đạt hiệu quả cao nhất. Nhà thầu hoặc các chuyên gia đã từng thực hiện các dự án có điều kiện địa lý tương tự là một trong những điểm ưu tiên thuận lợi. Do đó, đây không phải tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”, Chủ đầu tư lý giải.

Biên bản mở thầu ngày 6/1/2022 ghi nhận 2 nhà thầu tham dự, gồm: Liên danh Công ty TNHH Đo đạc bản đồ và Xây dựng Bình Minh - Công ty TNHH Đo đạc Bản đồ Tân Thành; Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng 245 - Công ty CP Xây dựng dịch vụ thương mại Phú Mỹ.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, tháng 9/2021, Gói thầu Tư vấn khảo sát lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/10.000 thuộc Dự án Lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh BRVT đến năm 2045 cũng vấp phải tranh cãi tương tự từ phía các nhà thầu, khi HSMT áp dụng điều kiện địa lý tương tự trên địa bàn tỉnh BRVT để đánh giá điểm ưu tiên đối với các vị trí nhân sự thực hiện Gói thầu. Được biết, tại gói thầu này, Công ty CP Tư vấn xây dựng Liên Hiệp giữ vai trò tư vấn thẩm định HSMT.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tư vấn là lĩnh vực phức tạp, đặc thù, yêu cầu cao, đồng thời, nhiều gói thầu trong lĩnh vực này (giám sát, khảo sát, quy hoạch, thi tuyển kiến trúc...) phải lựa chọn nhà thầu hoặc chuyên gia quốc tế, từ đó đặt ra yêu cầu về sự am hiểu các điều kiện địa lý tương tự. Tuy nhiên, khái niệm điều kiện địa lý tương tự nên được hiểu ở một phạm vi rộng tương ứng khu vực, vùng địa lý, thay vì giới hạn trên một địa bàn cụ thể, sẽ dễ gây ra các hạn chế cạnh tranh.

Chuyên đề