Đấu thầu qua mạng: Việt Nam kì vọng được như Ukraina

(BĐT) - Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro đã mang tới những kết quả đáng tự hào trong công tác phòng chống tham nhũng tại Ukraina khi giúp cho nước này giảm 10% tổng giá trị ngân sách mua sắm quốc gia. 
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các dự án mua sắm công. Ảnh: Lê Tiên
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia các dự án mua sắm công. Ảnh: Lê Tiên

Tương tự ProZorro, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng được kì vọng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực tại Việt Nam trong tương lai. 

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro (cái tên mang ý nghĩa là “Công minh”) được ra đời vào năm 2014 với tham vọng trở thành một sáng kiến giúp thay đổi thực trạng tham nhũng trong hoạt động mua sắm công tại Ukraina. Sau 3 năm triển khai, hệ thống này đã đem lại nhiều kết quả đầy ấn tượng: 97.000 nhà thầu đã sử dụng ProZorro, 754.700 gói thầu được thực hiện thông qua hệ thống, giúp tiết kiệm 770 triệu euro - tương đương 10% tổng giá trị ngân sách mua sắm hàng năm tại quốc gia này, tổng giá trị gói thầu trên Hệ thống tính đến năm 2017 là 19 tỷ Euro.

Với những thành tựu này, ProZorro đã được trao Giải thưởng toàn cầu về Chính phủ mở (Open Government Global Awards) tại Hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở lần thứ 4 tổ chức tại Paris vào ngày 7/12/2016. Trước đó, Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro còn đạt Giải thưởng Đấu thầu thế giới (World Procurement), cũng như được Hợp tác Hợp đồng mở (Open Contracting Partnership) tôn vinh là ví dụ điển hình về mô hình điện tử hoá hoạt động mua sắm công.

Tại Việt Nam, cũng với mong muốn có thể giảm thiểu tối đa và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn gian lận và tham nhũng trong đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) đã ra đời và đang dần được tích cực áp dụng trong những năm gần đây. Tương tự ProZorro, VNEPS công khai toàn bộ thông tin đấu thầu nhằm tăng tính minh bạch và tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho mọi nhà thầu. Đồng thời, Hệ thống VNEPS sẽ giữ bí mật thông tin nhà thầu nào nộp thầu đến tận khi mở thầu, nhằm giúp hạn chế tình trạng thông thầu.

Không chỉ giúp loại bỏ dần những tiêu cực trong công tác đấu thầu, hình thức mới mẻ này còn giúp đơn giản hóa quy trình đấu thầu, cũng như tiết kiệm chi phí và thời gian đấu thầu cho cả bên mời thầu và nhà thầu. Khi thực hiện đấu thầu qua VNEPS, các nhà thầu quan tâm có thể tải hồ sơ mời thầu, lập và nộp hồ sơ dự thầu hoàn toàn qua Hệ thống, giúp tăng tính tiện lợi và giảm đáng kể chi phí dự thầu cho nhà thầu. Đối với bên mời thầu, nhờ rất nhiều bước đấu thầu được thực hiện qua Hệ thống, chỉ cần 2-3 cán bộ là có thể tổ chức đấu thầu một gói thầu qua mạng, trong khi số lượng này thường là 10-12 người khi đấu thầu trực tiếp.

Dù chỉ mới bắt đầu triển khai rộng rãi trong những năm gần đây, số liệu thống kê năm 2017 cho thấy tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu qua mạng đạt 9% so với 7% trong đấu thầu truyền thống. Tổng giá trị gói thầu điện tử là 9.000 tỷ đồng. Đến tháng 7 năm 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng là 8.100 gói, bằng số lượng gói thầu điện tử cả năm 2017. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, trên Hệ thống VNEPS đã có 7 gói thầu với giá trị hơn 100 tỉ đồng, trong đó gói thầu lớn nhất lên tới 194 tỷ đồng thực hiện đấu thầu qua mạng.

Cùng với việc nhận được nhiều sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo, thể hiện ở Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025, VNEPS được kì vọng sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi và mang lại nhiều kết quả khả quan hơn trong giai đoạn sắp tới. Dự kiến đến năm 2025, 100% thông tin đấu thầu sẽ được đăng tải công khai, 100% hoạt động mua sắm thường xuyên và tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu sẽ được thực hiện trên Hệ thống.

Là hai quốc gia với ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng nặng từ vấn nạn tham nhũng, cả Ukraina và Việt Nam đều đang nỗ lực từng ngày để xóa bỏ các vấn đề tiêu cực trong đấu thầu công, qua đó góp phần phát triển kinh tế và tiết kiệm ngân sách quốc gia. Khi Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro đang đóng góp rất lớn để giúp Ukraina giải quyết vấn đề này, thì tại Việt Nam, VNEPS cũng đang đem lại không ít những tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ chấm dứt những tiêu cực trong công tác đấu thầu trong tương lai.

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro đã mang tới nhiều thành tựu cho công tác phòng chống tham nhũng tại Ukraina

Về Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov.vn) ra đời năm 2009, được quản lý bởi Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Các nhà thầu được tiếp cận hàng ngàn cơ hội kinh doanh từ các gói thầu mua sắm công trên cả nước, trong tất cả các lĩnh vực mua sắm hàng hoá, xây lắp, tư vấn và phi tư vấn.

+ Mọi nhà thầu đều có cơ hội tiếp cận thông tin và tham gia đấu thầu như nhau. Số lượng, thông tin nhà thầu nộp thầu chỉ có thể biết được sau khi mở thầu.

+ Tải hồ sơ mời thầu, lập và nộp hồ sơ dự thầu, trao đổi giữa nhà thầu và bên mời thầu đều được thực hiện thông qua Hệ thống.

+ Hiện tại, Ứng dụng Mua sắm công: Đấu thầu đã chính thức có mặt trên nền tảng di động iOS và Android, cho phép người dùng có thể truy cập và tìm kiếm thông tin gói thầu mọi lúc, mọi nơi.

Android: https://goo.gl/RMSvT1

iOS: https://goo.gl/ojRybP

Chuyên đề

Kết nối đầu tư