Đấu thầu qua mạng: Một năm chuyển biến mạnh mẽ

(BĐT) - Năm 2016 là năm đầu tiên hoạt động đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (TT07). 
Trong năm 2017, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
Trong năm 2017, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Những kết quả đạt được trong 1 năm vừa qua đã góp phần đẩy mạnh việc thực thi đấu thầu qua mạng, nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu.

Chuyển biến mạnh mẽ

TT07 đã hướng dẫn cụ thể lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng trong năm 2016 và các năm tiếp theo. So với các năm trước, số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2016 đã tăng rất mạnh. 

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, tính đến ngày 13/12/2016 đã có hơn 49.000 bên mời thầu, nhà thầu được phê duyệt tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; hơn 97.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gần 265.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống. Tính từ năm 2009 đến thời điểm này đã có hơn 5.400 gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử. Riêng năm 2016, có 3.500 gói thầu thực hiện đấu thầu điện tử, tăng gấp 5 lần so với năm 2015 (700 - 800 gói). Con số này cho thấy sự tham gia tích cực hơn của các chủ đầu tư, bên mời thầu trong cả nước. Một số đơn vị làm tốt như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu về đấu thầu như văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, bên mời thầu, nhà thầu, cơ sở dữ liệu nhà thầu vi phạm pháp luật về đấu thầu, trung tâm đào tạo về đấu thầu, giảng viên về đấu thầu đã được cập nhật thường xuyên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hiện cơ sở dữ liệu đã có khoảng 11.000 bên mời thầu và khoảng 38.900 nhà thầu. Đến nay, tất cả các địa phương, các bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước đã đăng ký thông tin trên Hệ thống.

Ngoài ra, trong năm vừa qua, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia được thành lập đã góp phần đẩy mạnh hoạt động đấu thầu qua mạng. Trung tâm đã quản lý, nâng cấp, vận hành ổn định Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; triển khai bổ sung, nâng cấp chức năng, hiệu năng cho Hệ thống mạng đáp ứng các quy định mới về công khai thông tin đấu thầu, đấu thầu qua mạng.

Ông Tô Tuấn Anh, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch và Đầu tư thuộc Công ty Thí nghiệm điện miền Bắc, đánh giá, việc thực hiện đấu thầu điện tử mang lại nhiều thuận lợi cho cả bên mời thầu và nhà thầu. Ngoài tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bớt nhân lực phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đấu thầu qua mạng còn có nhiều ưu điểm như có tính chất bảo mật cao, nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải thông tin trực tuyến, dễ giám sát, giảm tiêu cực trong đấu thầu. Chủ đầu tư dễ dàng quản lý thông tin nhà thầu, hồ sơ các dự án vì mọi thông tin được lưu trữ trên trang http://muasamcong.mpi.gov.vn/ nên không bị mất dữ liệu. Nhà thầu cũng có thể tiếp cận được nhiều dự án ở vị trí khác nhau mà không có cản trở về vấn đề vận chuyển.

Còn theo ông Lê Văn Sang, Trưởng phòng Kế hoạch thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Trung, hệ thống dữ liệu nhà thầu ngày càng được cập nhật đầy đủ, thường xuyên, đã giúp chủ đầu tư, bên mời thầu có thêm một cơ sở dữ liệu tin cậy để tham khảo khi đánh giá năng lực, kinh nghiệm và uy tín của nhà thầu, đồng thời các nhà thầu khác và tất cả mọi người quan tâm đều có thể kiểm tra, giúp giảm bớt việc kê khai thông tin không trung thực về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, góp phần nâng cao chất lượng nhà thầu được lựa chọn.

Đẩy mạnh hơn nữa đấu thầu qua mạng

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về đấu thầu qua mạng đến cả phía nhà thầu, để nhà thầu hiểu được lợi ích, nắm được cách thức tham gia đấu thầu và tích cực tham gia.
Theo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT, tuy năm nay số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu điện tử tăng rất mạnh, nhưng so sánh với con số gói thầu thực hiện theo phương thức truyền thống thì còn quá nhỏ. Ông Phạm Thy Hùng cho biết, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử mới đạt khoảng 5% tổng số gói thầu thực hiện đấu thầu trong năm nay. So với chỉ tiêu đặt ra tại TT07 thì vẫn chưa đạt (tối thiểu 20% gói thầu chào hàng cạnh tranh, 10% gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế - áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, trừ các cơ quan quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 37 TT07). Nguyên nhân chính là do các chủ đầu tư, bên mời thầu chưa tích cực, chủ động và sẵn sàng tham gia đấu thầu qua mạng, thậm chí một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện một gói thầu đấu thầu điện tử nào.

Ở một khía cạnh khác, ông Tô Tuấn Anh chia sẻ thực tiễn nhiều nhà thầu chưa biết thông tin, chưa tiếp cận được với đấu thầu điện tử, nên số lượng nhà thầu tham gia ít, khả năng lựa chọn hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính mà rất nhiều gói thầu đấu thầu điện tử chỉ có 1 - 2 nhà thầu tham dự. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về đấu thầu qua mạng đến cả phía nhà thầu, để nhà thầu hiểu được lợi ích, nắm được cách thức tham gia đấu thầu và tích cực tham gia. 

Để thúc đẩy đấu thầu qua mạng, trong năm 2017, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về đấu thầu qua mạng; rà soát, đánh giá việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật cho đấu thầu qua mạng; đôn đốc các đơn vị trên toàn quốc triển khai đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng các biểu mẫu và quy trình cung cấp, công khai thông tin về quá trình thực hiện hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực thi sáng kiến Hợp đồng công khai…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư