Đấu thầu để gỡ vướng quyết toán dự án PPP

(BĐT) - Hiện nay, giá trị chính thức của dự án BOT vẫn phải đợi vào kết quả quyết toán, từ đó mới có cơ sở xác định lại thời gian thu phí. Giá trị ghi trong hợp đồng dường như ít có giá trị, có thể nói dự án BOT không có giá chính thức từ đầu, mà phải chờ nhà đầu tư làm xong và quyết toán.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Bất cập trong quyết toán giá trị dự án hoàn thành

Thông tư số 166/2011/TT-BTC và Thông tư số 55/2016/TT-BTC có quy định về quyết toán giá trị công trình dự án hoàn thành. Giá trị công trình dự án hoàn thành là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư đàm phán, điều chỉnh lại phương án tài chính dự án BOT sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, với quy định hiện hành, trách nhiệm quyết toán của nhà đầu tư không được quy định rõ ràng. Cụ thể là chỉ quy định trách nhiệm thực hiện quyết toán mà không quy định thời hạn hoàn thành quyết toán. Đây là một bất cập gây ra rất nhiều khó khăn khi tính toán lại thời gian thu phí chính thức sau khi hoàn thành công trình.

Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao phải chờ giá trị quyết toán mà không căn cứ vào giá trị hợp đồng đã ký kết. Một chuyên gia của Bộ KH&ĐT cho rằng, hợp đồng là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất đối với dự án BOT, mọi tính toán về chi phí, rủi ro, phương án tài chính,… đã thể hiện trong hợp đồng. Việc phải đợi khi quyết toán mới có giá trị chính thức, cũng tương tự như việc Nhà nước đã “mua” mà không biết giá chính thức “món đồ” mình mua. Đã đến lúc các bên khi ký hợp đồng phải chấp nhận quy tắc thị trường là “lời ăn lỗ chịu”. 

Đấu thầu để có giải pháp gỡ vướng

Bộ Tài chính cũng nhận định, quan điểm tiếp cận trong xây dựng chính sách về BOT chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, việc quản lý hoạt động đầu tư của các dự án PPP được thực hiện trên nguyên tắc quản lý đầu ra trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Giá trị công trình dự án hoàn thành sẽ được xác định theo quy định tại hợp đồng PPP. Giá trị ghi trong hợp đồng PPP căn cứ theo kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và kết quả đàm phán giữa CQNNCTQ và nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư có năng lực tốt để thực hiện dự án với mức chi phí thực tế thấp hơn so với mức chi phí quy định trong hợp đồng BOT thì sẽ được hưởng phần chênh lệch. Ngược lại, trường hợp chi phí thực tế đầu tư công trình dự án cao hơn so với chi phí ghi trong hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu toàn bộ phần chênh lệch này. Do vậy, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án rất hạn chế, điều này buộc nhà đầu tư phải quản lý chi phí dự án có hiệu quả.

Tuy nhiên, quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành được xây dựng trên nguyên tắc quản lý đầu vào, giá trị công trình dự án được quyết toán theo chi phí thực tế phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước; được phép điều chỉnh (tăng) tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của Nhà nước và được quyết toán để làm cơ sở xác định mức phí và thời gian thu phí của dự án. Với quy định trên, nhiều dự án BOT đường bộ được điều chỉnh phạm vi, quy mô đầu tư của dự án trong trường hợp xuất hiện các yếu tố làm tăng hiệu quả của Dự án. Đây là một nguyên nhân dẫn đến những cách hiểu khác nhau về tính toán tổng mức đầu tư của các dự án BOT đường bộ và bức xúc của dư luận về thiếu kiểm soát chi phí đầu tư của CQNNCTQ trong thời gian qua. Giá trị quyết toán chi phí vốn đầu tư dường như chỉ dựa trên nguyên tắc thực thanh – thực chi và theo các quy định về tiêu chuẩn, định mức của các dự án đầu tư công.

Quy định này không khuyến khích phát huy sáng tạo, sáng kiến của nhà đầu tư sử dụng các công nghệ, vận dụng kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả đầu tư mà chủ yếu vẫn là những giải pháp kỹ thuật và biện pháp thi công.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án BOT không nên chỉ định thầu, chỉ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT sau khi CQNNCTQ phê duyệt dự án đầu tư, giá trúng thầu của nhà đầu tư khi tổ chức đấu thầu rộng rãi là giá trị cuối cùng được CQNNCTQ chứng thực thanh quyết toán. 

Chuyên đề