Đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia 2021: Chấm điểm uy tín để bảo đảm công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 22 Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực đang mời thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2021. Xuất hiện ý kiến cho rằng, việc áp dụng tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu là không công bằng với những nhà thầu đã từng tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng có “tì vết”. Tuy nhiên, Tổng cục DTNN đã có văn bản khẳng định, việc đánh giá uy tín không phải vì mục đích loại nhà thầu, mà để bảo đảm công bằng và tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Trong quá trình đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2021, 26 nhà thầu từng trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ bị trừ điểm kỹ thuật. Ảnh: Gia Bảo
Trong quá trình đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2021, 26 nhà thầu từng trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ bị trừ điểm kỹ thuật. Ảnh: Gia Bảo

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, trong quá trình đấu thầu mua 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2021 (mở thầu vào tháng 3/2021), 26 nhà thầu từng trúng thầu nhưng từ chối ký hoặc không thực hiện hợp đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ bị trừ điểm kỹ thuật khi dự thầu.

Hiện nay, một số nhà thầu có ý kiến làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) tại các Cục DTNN khu vực. Các nhà thầu này cho rằng, việc áp dụng tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu và trừ điểm kỹ thuật có thể gây ra sự bất bình đẳng giữa nhà thầu đã từng tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng có “tì vết” với những nhà thầu mới tham gia đấu thầu năm 2021. Các HSMT đều sử dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá nên những nhà thầu có “tì vết” bị trừ điểm kỹ thuật, muốn trúng thầu thì phải giảm giá chào thầu. Mặt khác, điều này có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước (quy định này có thể tạo điều kiện cho những nhà thầu bỏ giá cao trúng thầu, những nhà thầu không nằm trong danh sách 26 nhà thầu nói trên bỏ giá cao hơn khoảng 100 - 150 đồng/1 kg).

Trong văn bản gửi các Cục DTNN khu vực mới đây, Tổng cục DTNN yêu cầu các Cục DTNN khu vực căn cứ quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật Đấu thầu và Điều 1 Quyết định số 776/QĐ-TCDT ngày 14/12/2017 để thực hiện đúng trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia.

Đối với việc đánh giá uy tín của nhà thầu trong công tác mua hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục DTNN cho biết, tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định: Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các yếu tố về khả năng đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, vận chuyển, lắp đặt, bảo hành, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong HSMT... Theo đó, việc quy định chấm điểm uy tín nhà thầu (theo thang điểm cụ thể) như hướng dẫn tại Văn bản số 1972/TCDT-QLHDT ngày 30/12/2020 của Tổng cục DTNN là có cơ sở pháp lý.

Ông Phạm Vũ Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, khi đưa ra quy định về đánh giá uy tín của nhà thầu trong mua hàng dự trữ quốc gia, đơn vị đã tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu) về một số giải pháp trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia. Trong đó nêu giải pháp xử lý đối với việc nhà thầu trúng thầu nhưng không ký hợp đồng thì sẽ bị đánh giá về uy tín, tùy theo mức độ vi phạm mà bị đánh giá không đạt hoặc bị đánh giá uy tín rất thấp khi tham dự các gói thầu tương tự.

Ngày 9/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức thực hiện công tác mua gạo dự trữ quốc gia theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm hợp đồng hoặc không ký hợp đồng để đảm bảo kịp thời, hiệu quả và tránh thất thoát, lãng phí trong thu mua gạo dự trữ quốc gia.

Ông Phạm Vũ Anh phủ định ý kiến cho rằng việc áp dụng tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu trong cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2021 gây thất thoát ngân sách nhà nước, bởi vì kết quả lựa chọn nhà thầu căn cứ vào điểm kỹ thuật nhà thầu đạt được (trong đó có tính đến điểm uy tín) và giá chào thầu của nhà thầu. Việc quy định chấm điểm uy tín nhà thầu trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia lần này là để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các nhà thầu tham dự (nhà thầu có uy tín cao hơn thì sẽ được chấm điểm cao hơn và ngược lại) và tăng tính cạnh tranh giữa các nhà thầu.

Chuyên đề