Khi nhà thầu “tham bát bỏ mâm”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Dự trữ Nhà nước tại nhiều khu vực vừa công bố danh sách một loạt nhà thầu vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu do từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Với việc kinh doanh không chuyên nghiệp này, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cánh cửa để các nhà thầu tham gia đấu thầu gạo tới đây sẽ hẹp lại.
Những nhà thầu từ chối ký hợp đồng trúng thầu gạo dự trữ quốc gia sẽ bị chấm điểm uy tín thấp dẫn đến cơ hội trúng thầu sẽ giảm. Ảnh: Huy Hùng TTXVN
Những nhà thầu từ chối ký hợp đồng trúng thầu gạo dự trữ quốc gia sẽ bị chấm điểm uy tín thấp dẫn đến cơ hội trúng thầu sẽ giảm. Ảnh: Huy Hùng TTXVN

Xử phạt nhà thầu từ chối ký hợp đồng trúng thầu

Ngày 14/1/2021, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu công bố danh sách 7 nhà thầu vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu trong thời hạn 5 năm (2016 - 2020). Lý do xử phạt là nhà thầu trúng thầu các gói thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, nhưng không thương thảo, ký kết hợp đồng cung cấp gạo nhập kho dự trữ. Hình thức xử phạt là tịch thu toàn bộ tiền bảo lãnh dự thầu với tổng số tiền vi phạm là hơn 1,2 tỷ đồng.

Cụ thể, Liên danh Công ty CP Thanh Sơn - Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến lương thực Cần Thơ (Khu thủ công nghiệp Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trung, TP. Hà Nội) bị phạt 245,52 triệu đồng do không đến thương thảo 2 phần thầu của gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2017.

Tại Hà Nam có 2 nhà thầu bị xử phạt với tổng số tiền là 219,6 triệu đồng do từ chối hoàn thiện, từ chối ký hợp đồng 1 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Đó là Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (thôn Đồng Lư Hạ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân) và Công ty CP Lương thực Hà Nam (đường 1A, phường Thanh Châu, TP. Phủ Lý).

Tại Thái Bình có 3 nhà thầu bị phạt do từ chối hoàn thiện, từ chối ký hợp đồng 1 gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020. Đó là Công ty TNHH Liên Hạnh (Cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư), Công ty TNHH Thương mại Chương Tho (TP. Thái Bình) và Công ty TNHH Hưng Cúc (Cụm công nghiệp Xuân Quang, huyện Đông Hưng).

Nhìn rộng hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “tham bát bỏ mâm” như vậy cho thấy nhà thầu thiếu tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, đây là điểm bất lợi trong thương mại quốc tế. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp như có thể không cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp nằm trong danh sách này.

Cuối cùng là Công ty CP Thương mại Minh Khai (địa chỉ tại số 23 Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, TP. Hải Phòng) bị phạt 96,96 triệu đồng.

Trước đó (ngày 8/1), Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc công bố danh sách 6 nhà thầu bị xử phạt do các nhà thầu này từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng các gói thầu cung cấp gạo, với tổng số tiền lên tới hơn 1,4 tỷ đồng. Các nhà thầu này gồm: Công ty TNHH Phát Tài, Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty CP Thương mại Cao Lạng và Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc cũng xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu đối với 4 nhà thầu vi phạm hợp đồng cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020.

“Tham bát bỏ mâm”?

Đề cập về lý do từ chối hoàn thiện, ký kết các gói thầu cung cấp gạo được các Cục Dự trữ Nhà nước công bố trúng thầu, trao đổi với Báo Đấu thầu ngày 15/1, một trong số nhà thầu nêu trên cho biết: “Tại thời điểm trúng thầu, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia từ chối tới ký hợp đồng vì giá gạo xuất khẩu trên thị trường lúc đó cao hơn rất nhiều”. Nhà thầu không ký hợp đồng mặc dù biết việc làm này bị các chủ đầu tư xử phạt bằng hình thức tịch thu bảo lãnh dự thầu và “bêu tên”, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đại diện Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc nhấn mạnh, hiện tượng nhà thầu trúng thầu nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia mà chuyển sang xuất khẩu như vừa qua sẽ làm phát sinh nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực.

Đề cập về cơ hội của các nhà thầu bị xử phạt do từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia nêu trên, đại diện Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc nhấn mạnh: “Cơ hội của họ sẽ bị hẹp lại, bởi Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có hướng dẫn triển khai chấm điểm uy tín doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia. Theo đó, khi xây dựng hồ sơ mời thầu sẽ đưa ra khung điểm đánh giá uy tín nhà thầu. Những nhà thầu có “tỳ vết” thì điểm đánh giá về uy tín so với các nhà thầu khác chắc chắn sẽ thấp hơn, điều này đồng nghĩa với cơ hội trúng thầu sẽ giảm đi”.

Nhìn rộng hơn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “tham bát bỏ mâm” như vậy cho thấy nhà thầu thiếu tính chuyên nghiệp trong kinh doanh, đây là điểm bất lợi trong thương mại quốc tế. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp như có thể không cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp nằm trong danh sách này.

Về vấn đề này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa cho biết, đơn vị đã có kiến nghị nâng tỷ lệ phạt đối với những trường hợp đã trúng thầu nhưng không thực hiện. Kiến nghị này đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được Bộ ghi nhận sẽ xem xét đưa vào trong quá trình sửa Luật Đấu thầu sắp tới.

Chuyên đề