Giải pháp cho thực trạng thù lao đấu giá 0 đồng phải được thực hiện từ người có tài sản. Ảnh: Tường Lâm |
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động ĐGTS lại cho thấy, có những tổ chức ĐGTS dường như không màng đến doanh thu từ phí dịch vụ khi chào tiền thù lao ở mức 0 đồng. Điều này đặt ra câu hỏi: tổ chức ĐGTS sống bằng gì?
Không màng đến thù lao
Theo Thông báo số 424/TB-CSDT ngày 7/11/2018 của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng về kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS cho lô tài sản là cây cao su thanh lý đợt 1 để tái canh năm 2019, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương đã được lựa chọn.
Thông báo của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng nêu rõ, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương đã đáp ứng các tiêu chí trong thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS với giá trúng thầu trong trường hợp đấu giá thành là 0,7% trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm (% phần bán vượt giá khởi điểm).
Theo quy định tại Thông tư 45/2017/TT-BTC, mức thù lao tối thiểu là 1 triệu đồng/hợp đồng. Mức thù lao tối đa tương ứng theo giá khởi điểm được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư 45/2017/TT-BTC sẽ là tiền thù lao cố định + % phần bán vượt giá khởi điểm.
Như vậy, với trường hợp của Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương, tổ chức ĐGTS này đã chào mức tiền thù lao cố định là 0 đồng + 0,7% phần bán vượt giá khởi điểm. Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Dương được lựa chọn vì có giá chào thấp hơn các tổ chức ĐGTS khác.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, cuộc đấu giá nêu trên chỉ là một trong nhiều trường hợp tổ chức ĐGTS chấp nhận chào mức phí 0 đồng để lựa chọn trúng thầu.
Chưa minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Một đấu giá viên kỳ cựu nhận định, việc tổ chức bán ĐGTS “chào” thù lao đấu giá 0 đồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi, khi đó, chi phí và lợi nhuận của tổ chức ĐGTS phụ thuộc hết vào phần bán vượt giá khởi điểm.
“Trường hợp giá trúng đấu giá chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm thì tổ chức ĐGTS sẽ lỗ, không có lợi nhuận để bù đắp cho chi phí thực hiện cuộc đấu giá. Với trường hợp giá trúng đấu giá chênh lệch nhiều so với giá khởi điểm, tổ chức ĐGTS sẽ bù đắp được chi phí và có lợi nhuận. Tuy nhiên không có điều gì đảm bảo việc tổ chức ĐGTS sẽ bán vượt được nhiều để đáp ứng được chi phí đó. Do đó, rủi ro là rất lớn cho tổ chức ĐGTS” - đấu giá viên đánh giá.
Tổng giám đốc một công ty đấu giá bày tỏ quan điểm cứng rắn, chiếu theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 và Khoản 4 Điều 3 Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định mức thù lao tối thiểu là 1 triệu đồng/hợp đồng thì việc tổ chức ĐGTS chào mức thù lao 0 đồng là không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý bán ĐGTS, trọng tài thương mại thuộc Cục Bổ trợ tư pháp (BTTP) thuộc Bộ Tư pháp, với đặc thù của hoạt động đấu giá phải có các chi phí cố định như đăng báo, photo hồ sơ, tài liệu đấu giá, tổ chức cho khách hàng đi xem tài sản…, thì việc lấy phí thù lao đấu giá bằng 0 tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa minh bạch.
Do đó, ông Tuấn cho rằng, giải pháp cho thực trạng này phải được thực hiện từ người có tài sản. Trong thời gian qua, Cục BTTP đã có nhiều hướng dẫn pháp luật gửi các tổng cục thi hành án, các đối tượng chủ tài sản phải ưu tiên đánh giá những tiêu chí về hồ sơ năng lực, uy tín kinh nghiệm của tổ chức ĐGTS để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh (chào giá 0 đồng), tạo sự công bằng, minh bạch hơn trong hoạt động ĐGTS.
Trước các kiến nghị, phản ánh về nội dung “phá giá” của một số tổ chức ĐGTS, Cục BTTP đang tổng hợp, nghiên cứu đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.