Đấu giá tài sản 2025: Kỳ vọng giảm sốt nóng, bất thường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, đấu giá quyền sử dụng đất trở thành chủ đề nóng trong hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS) khi có những phiên lập nhiều kỷ lục về thời gian đấu giá, giá trúng đấu giá… Nhiều chỉ đạo của cấp có thẩm quyền liên tiếp được ban hành nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác này.
Nhiều lô đất tại các huyện ở Hà Nội có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều lô đất tại các huyện ở Hà Nội có giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Ảnh: Lê Tiên

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 được kỳ vọng hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, đồng bộ với hệ thống pháp luật về đất đai, thúc đẩy hoạt động ĐGTS theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐGTS.

Nhiều kỷ lục mới

Năm 2024, hoạt động đấu giá “sốt nóng” trở lại với nhiều hiện tượng bất thường trong các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, phần nào phản ánh thực trạng những lỗ hổng pháp lý được một số đối tượng lợi dụng để đầu cơ, thao túng giá, thổi giá…

Trong phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) ngày 10/8, có 4.600 hồ sơ đăng ký tham gia, trong đó 4.201 hồ sơ đủ điều kiện. Kết quả, lô góc có giá trúng cao nhất lên tới 100,5 triệu đồng/m², lô trúng thấp nhất là 51,6 triệu đồng/m², cao gấp nhiều lần giá khởi điểm (8,6 - 12,5 triệu đồng/m²). Tuy nhiên, chỉ có 13 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, các lô đất bỏ cọc đều có giá trúng đấu giá trên 80 triệu đồng/m².

Hiệu ứng từ giá trúng đấu giá này lan tỏa ra một số khu vực khác với mức tăng giá vượt sức tưởng tượng. Tại phiên đấu giá ở Hoài Đức (Hà Nội) ngày 19/8, 19 thửa đất xã Tiền Yên (diện tích từ 74 - 118 m², với giá khởi điểm từ 7,3 triệu đồng/m²) được bán thành công sau 19 giờ đồng hồ, ghi nhận giá trúng đấu giá cao nhất là 133,3 triệu đồng/m².

Ngày 19/10/2024, 27 lô đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội, quận Hà Đông được đưa ra đấu giá. Sau 15 giờ đồng hồ, lô đất có giá trúng cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m², gấp 8 lần giá khởi điểm, giá trúng thấp nhất gần 133 triệu đồng/m².

Cuộc đấu giá 58 thửa đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 29/11 ghi nhận mức giá người tham gia đấu giá trả là 30 tỷ đồng/m² - mức giá “không tưởng”.

Không chỉ Hà Nội, tại Bắc Giang, phiên đấu giá 72 lô đất tại thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng vào ngày 17/8 có 339 khách hàng với gần 1.000 hồ sơ tham gia. Kết quả, tổng giá trúng các lô đất là hơn 181 tỷ đồng, tăng hơn 66,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm; trong đó lô có giá trúng cao nhất là hơn 5 tỷ đồng, chênh 2,3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Ngày 14/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 134/CĐ-TTg yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, Thủ tướng ban hành công điện chấn chỉnh công tác này (công điện trước đó là vào ngày 21/8/2024).

Một trong những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh tại Công điện là yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi số trong công tác ĐGTS, tránh bị lợi dụng trong quá trình tham gia và thực hiện ĐGTS; bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi thông đồng, dìm giá, thổi giá, thao túng giá, lợi dụng đấu giá để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường; bổ sung quy định điều kiện hạn chế cho phép tham gia đối với người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất mà trước đó đã có các hành vi vi phạm hoặc cố ý bỏ cọc.

Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS đã hoàn thiện trình tự, thủ tục ĐGTS theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, khách quan với kỳ vọng khắc phục được những tồn tại, vướng mắc trong hoạt động đấu giá thời gian qua.

Trong đó, Luật tăng cường các cơ chế ngăn chặn, chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực trong hoạt động ĐGTS; bổ sung một số thủ tục riêng đối với một số tài sản đặc thù (quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện); hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ĐGTS, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề ĐGTS, người có tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan (để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá, lập danh sách khống về người đăng ký tham gia đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động ĐGTS; thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ mời tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả ĐGTS, tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó...), qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, hạn chế tối đa tiêu cực trong ĐGTS.

Ngoài ra, Luật hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, công khai, minh bạch như: sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính của quy chế cuộc đấu giá, việc niêm yết đấu giá, thông báo công khai, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước, xem tài sản, địa điểm tổ chức phiên đấu giá, hoàn thiện quy định về việc trả giá đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá nhằm tạo điều kiện thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia, bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin: bổ sung quy định cụ thể về Cổng ĐGTS quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về ĐGTS xây dựng, quản lý và vận hành nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về ĐGTS và thực hiện đấu giá trực tuyến đáp ứng yêu cầu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Luật cũng bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá này, góp phần nâng cao tính khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động ĐGTS.

Cùng với đó, Luật bổ sung chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá bị hủy và quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấm tham gia đấu giá nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm, góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng hoạt động đấu giá để trục lợi.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Tạ Thị Tài cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS đã bổ sung nhiều quy định mới về các hành vi bị nghiêm cấm, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần được tăng cường nhằm kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ĐGTS, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Trước mắt, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp… để sửa đổi, bổ sung kịp thời các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt phù hợp với quy định của Luật. Cùng với đó, cần bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi bị nghiêm cấm, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chuyên đề