Đấu giá quyền khai thác mỏ đất san lấp: Bước đầu giải tỏa khan hiếm đất đắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu vật liệu san lấp ở các công trình, dự án dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, phát sinh khai thác khoáng sản không phép, không đúng vị trí. Các địa phương đã liên tiếp đốc thúc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là vật liệu đất đắp để giải quyết nhu cầu tại địa phương, bước đầu tạo nguồn bù đắp một phần sự thiếu hụt này.
Tình trạng thiếu vật liệu san lấp tại một số địa phương dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ các công trình, dự án. Ảnh: Tiên Giang
Tình trạng thiếu vật liệu san lấp tại một số địa phương dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ các công trình, dự án. Ảnh: Tiên Giang

Theo tổng hợp sơ bộ của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, năm 2022, trên địa bàn Tỉnh cần hơn 4 triệu m3 đất san lấp. Số liệu này chưa bao gồm nhu cầu đất san lấp cho cao tốc đi qua tỉnh Quảng Trị. Từ tháng 9/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã quy hoạch bổ sung 65 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản (đến năm 2030) trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, đến tháng 4/2022 mới có 2 mỏ đất (ở Hải Lăng và Vĩnh Linh) được cấp phép khai thác với trữ lượng không lớn. Phản ánh tới báo chí, một số nhà thầu cho biết, khoảng cách từ 2 mỏ này đến các địa phương khác rất xa, từ đó phát sinh chi phí vận chuyển ngoài dự toán, gây khó cho nhà thầu thi công.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đốc thúc Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành thủ tục đấu giá 27 mỏ đất làm vật liệu san lấp (khoảng 333,3 ha, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng). Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải tự giải phóng mặt bằng trước khi thuê đất và khai thác.

Từ ngày 9 - 10/8/2022, nhiều cuộc đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp tại Quảng Trị đã được tổ chức thành công. Cuối tháng 8/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã công khai quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 16 mỏ vật liệu đất san lấp, bước đầu tạo lập nguồn đất san lấp phục vụ cho các công trình trên địa bàn.

Theo kết quả được công khai, Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh là một trong những doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực mỏ Triệu Thượng thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với diện tích 48 ha. Ông Trương Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh chia sẻ, sau khi trúng đấu giá, ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp còn phải tiến hành nhiều quy trình, thủ tục như: đo vẽ và khảo sát đánh giá trữ lượng khu vực mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, trồng rừng thay thế, bồi thường giải phóng mặt bằng… Do vậy, thời điểm đưa mỏ vào khai thác chính thức vẫn chưa thể xác định.

Tại Phú Yên, tháng 7/2022, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, trên địa bàn Tỉnh có 11 đơn vị được cấp phép khai thác cát xây dựng với tổng diện tích 72 ha, tổng công suất khai thác 220.000 m3/năm; 4 đơn vị được cấp giấy phép khai thác đất san lấp với tổng diện tích 27 ha, tổng công suất khai thác 280.000 m3/năm; 16 đơn vị được cấp giấy phép khai thác đá với tổng diện tích 90 ha, tổng công suất khai thác 1,2 triệu m3/năm. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, khối lượng cát xây dựng, đất san lấp được cấp phép khai thác không đủ cung cấp. Điều này dẫn đến một số công trình có tiến độ không như mong muốn, xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép, khai thác không đúng vị trí.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức đấu giá quyền khai thác 2 mỏ đất, cấp 4 giấy phép khai thác khoáng sản. Ngày 17/9 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Phú Yên tiếp tục thông báo tổ chức bán đấu giá 11 mỏ đất san lấp với tổng giá khởi điểm 33,019 tỷ đồng. Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra ngày 6/10/2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết, việc đấu giá 11 mỏ đất làm vật liệu san lấp nằm trong phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 11 mỏ đất, 3 mỏ cát, 3 mỏ sét và mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh Phú Yên thống nhất chủ trương. Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 3 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang khai thác, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông Ngọc Anh kỳ vọng, việc đấu giá thành công, sớm đưa vào khai thác các mỏ đất sẽ phục vụ kịp thời nhu cầu đất san lấp cho các công trình trên địa bàn.

Tại một số địa phương khác, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp cũng đang được triển khai. Đơn cử, ngày 8/9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn năm 2022, trong đó có Kế hoạch đấu giá mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống với diện tích 19,6 ha.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư