Tượng phật cổ của bà Ngô Thị Thương |
Mua bán kiểu này ngoài kiến thức về cổ ngoạn, còn phụ thuộc vào may rủi, thường kém minh bạch. Vì vậy mà giới sưu tập và người chơi cổ vật mong muốn có sàn giao dịch, đấu giá cổ vật thường xuyên.
Phiên đấu giá cổ vật ấn tượng nhất hai thập kỷ
Mùa Xuân năm 2008, Hội Cổ vật Thăng Long tổ chức một cuộc trưng bày và đấu giá cổ vật tại nhà Khai Trí Tiến Đức bên Hồ Gươm, Hà Nội. Đây có thể nói là sự kiện trưng bày, đấu giá cổ vật quy mô lớn, quy tụ được hàng nghìn món đồ cổ của các nhà sưu tập trên cả nước.
Ban tổ chức với những gương mặt uyên thâm về nghề như Đào Phan Long, Trần Việt Dũng, Nguyễn Quốc Hội... và các chuyên gia đồ cổ như Mười Thương (Đà Nẵng), Sơn “Chợ” - Thanh Hóa, Bình “Văn Điển”, Thọ “Nhựa Song Long”… đều đến góp vui. Các cổ vật được đem trưng bày trên sàn đấu giá được Ban tổ chức thẩm định và tổ chức bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.
Một trong những cổ vật được đấu giá thành công hồi đó là chiếc trống đồng Đông Sơn, do Hội Cổ vật Thanh Hoa (Thanh Hóa) đem ra đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Tập đoàn HSTC (Việt Nam). Khi đem trống cổ về trụ sở doanh nghiệp trưng bày ở Hà Nội, có khách đến sẵn sàng trả cao gấp 10 lần giá doanh nghiệp này trúng đấu giá nhưng họ không bán.
Tại cuộc đấu giá này, giới mê cổ vật sững sờ trước bộ kiếm cổ của ông Cao Xuân Bình. Chuyên gia sưu tập Trần Việt Dũng, với kiến thức của mình, đã đánh giá đây là bộ kiếm cổ lành, dài và độc bậc nhất nên đã xuống tiền mua ngay. Thời gian sau, ông Dũng rỉ tai tôi, bộ kiếm đó sau bí tiền ông bán lãi được gần 2 tỷ đồng. Biết đồ, buôn cổ ngoạn một vốn lời gấp mấy chục lần là vì thế. Đấy là thành công bước đầu của phiên đấu giá cổ vật ở Hà Nội. Sau đó, Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định), Thành Đông (Hải Dương) có tổ chức giao lưu và đấu giá cổ vật, dần hình thành nên diện mạo của những phiên đấu giá cổ vật ở miền Bắc, nhưng không được thường xuyên.
Hiện nay, Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, mọi người được phép sưu tập cổ vật hợp pháp, nhưng chưa có sàn giao dịch cổ vật nào hoạt động thường xuyên, đảm bảo uy tín để người chơi có thể tìm về gửi trọn niềm tin. Bởi nhiều chuyên gia đồ cổ nhiều khi vẫn bị dính khi vội vàng đi “xứ” săn đồ.
Gần đây, ông Nguyễn H. cùng chuyên gia cổ vật của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam vào miền Trung thẩm định món đồ, nghi đó là tượng đá của người Chăm xưa còn trong dân. Cuộc đó, có nhiều người nơi khác cùng vào thăm bức tượng và định giá để mua bán. Ông H. cùng chuyên gia của Bảo tàng sau khi xem xét bằng mắt thường và kinh nghiệm của mình xác định đó là tượng cổ thật, nên trả giá cao nhất trong cuộc mua bán đó, gần 1 tỷ đồng, mua được. Tuy nhiên, khi đem về Hà Nội, có khách đến xem bức tượng, họ đồng ý trả 200.000 USD, nhưng phải kiểm định. Mọi người cùng đem đồ đi kiểm định, thì bức tượng đó là tượng mới, không đúng niên đại xác định ban đầu. Ông H. cay đắng vứt bức tượng cả tỷ đồng đó vào góc nhà.
Bộ đĩa gốm sứ cổ Chu Đậu
Đấu giá cổ vật qua mạng
Gần đây khoa học công nghệ phát triển, nhiều nhà sưu tập cổ vật với uy tín cá nhân của mình đã tổ chức đấu giá qua mạng Facebook. Đơn cử như vừa qua, trong bộ sưu tập hàng nghìn món cổ vật gốm sứ Chu Đậu của một gia đình ở miền Trung, có mười chiếc đĩa gốm sứ Chu Đậu cổ, rộng 24 cm, vẽ cúc hoa dây, lành đẹp, men sáng, được giới sành đồ mệnh danh là “Thập bảo gốm sứ Chu Đậu”. Sau đó, bộ đĩa này được chuyển nhượng cho nhà sưu tập Bùi Quang Thu (Hà Nội). Thông qua mạng xã hội, nhiều người đã trả giá khoảng 1 tỷ đồng bộ đĩa này nhưng ông Thu không bán. Trao đổi với chúng tôi, ông Thu cho biết: “Tiền rất quý, nhưng cố gắng làm và may mắn bạn sẽ kiếm được tiền tỷ. Còn bộ đĩa gốm sứ chuẩn cổ Chu Đậu, đẹp như vậy thì khó có thể tìm ra được bộ thứ hai ở nước ta, nên chưa bí tiền tôi quyết không bán”.
Giới mê đồ cổ gần đây thường vào trang mạng của nhà sưu tập Ngô Thị Thương (TP.HCM) mua đồ. Xuất thân từ người đam mê sưu tầm cổ vật, bà Ngô Thị Thương đã dành toàn bộ sức lực và kinh tế gia đình hơn 30 năm rong ruổi khắp các địa phương, tham gia đấu giá trên những trang mạng quốc tế để sở hữu những bộ sưu tập cổ vật độc đáo. Hiện bà có những bộ sưu tập cổ vật đồ sộ và quý hiếm bậc nhất ở nước ta như: Chung rượu khổng tử, bộ sưu tập tượng Phật cổ quý đến từ nhiều quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, trong đó có một số tượng Phật cổ cực hiếm từ thế kỷ 13 - 14 trị giá hàng chục tỷ đồng và Bách đỉnh ngọc cổ….
Để có một gia sản cổ vật đồ sộ như vậy, bà Thương đã lăn lộn với nghề, nếm đủ cay đắng, ngọt bùi. Thời hoàng kim, bà tham gia các sàn đấu giá cổ vật của nước ngoài để mua. Thường những cổ vật bà mua được ở các sàn đấu giá nước ngoài là đỉnh ngọc quý, đồ gốm sứ cổ Trung Quốc… Tuy nhiên, có thời điểm người nhà bà lâm trọng bệnh, bà phải mang cầm cố để lấy tiền chữa bệnh. Rồi hàng chục năm sau, bà quay lại để chuộc đồ thì người giữ đồ đã không ở trong nước… Rồi một ngày bà Thương vì nhớ đồ xưa nên quay lại Đà Nẵng để tìm, thì nhận được lời nhắn: “Trước kia, chị sống ân nghĩa, giúp đỡ nhiều người, nên cổ vật của chị em không dám bán, mà giữ lại để phòng có ngày chị tìm về lấy lại”. Nhiều năm chuộc lại đồ, tiền mất giá, nhưng người bà con giữ đồ cổ quý đó bảo: “Cô ấy dặn không tính lãi chị, vì ân tình của chị thời còn khá giả đã giúp đỡ mọi người nhiều”. Nước mắt bà Thương cứ thế rơi ra, bà phát tâm nguyện đồ quý nhưng tình người còn quý hơn nhiều.
Tháng 11/2019, gia đình bà Thương phát tâm chọn ra 6 món đồ là những chiếc đỉnh ngọc quý, ấm ngọc tổ chức đấu giá, với mức giá khởi điểm là 0 đồng. Toàn bộ số tiền đấu giá gia đình bà dành tặng bé trai có hoàn cảnh khó khăn, không may bị mắc bệnh hiểm nghèo sang Thái Lan điều trị bệnh. Hiện cháu trai đó đã phẫu thuật, được bệnh viện ở Thái Lan cho ra viện. Giới sưu tập cổ vật đánh giá, đó là cuộc đấu giá của tấm lòng cao cả, hiếm có trong giới sưu tập cổ vật.
Trên mạng xã hội, nổi bật với sàn đấu giá cổ vật của bạn Phú Trinh, được đánh giá là hoa khôi của giới cổ vật. Trinh cho biết, thường các món đồ cổ cô đấu trên sàn, qua mạng Facebook là đồ chuẩn, đã được thẩm định, nhưng giá trị ở mức trung bình, từ vài triệu đến vài chục triệu một món. Khách trả giá trên mạng, thời gian đấu giá món đồ trực tiếp thường khoảng 3 - 5 phút, người trả giá cao nhất trong thời gian này sẽ là người trúng đấu giá. Sau đó, người mua chuyển tiền vào tài khoản và Trinh sẽ có trách nhiệm chuyển đồ đến tận tay người nhận.
Hiện nay, không hiếm nhà sưu tập cổ vật của nước ta đã đi nước ngoài như Pháp, Nhật, Trung Quốc, Mỹ, Anh… để đấu giá mua cổ vật và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử đấu giá, chiến thắng trong các cuộc đấu giá. Người mê cổ vật đều mong muốn, Việt Nam có sàn đấu giá giao dịch cổ vật thường xuyên, quy mô bài bản, có bảo lãnh để tham gia. Bởi hiện nay, nhiều cuộc đấu giá cổ vật ở nước ta do các cá nhân mê đồ, buôn bán qua mạng để kiếm lời, nên vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.