Haprosimex đặt mục tiêu lãi 24 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên sau cổ phần hóa với sự vào cuộcDATC. Ảnh minh họa: Tường Lâm |
Kinh doanh mất vốn
Từ một doanh nghiệp được nhận rất nhiều bằng khen và danh hiệu như: Huân chương Lao động hạng Nhất 2007 của Chủ tịch nước, hay Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2007…, Haprosimex đã trở thành một doanh nghiệp thua lỗ trầm trọng.
Theo báo cáo tài chính tại thời điểm 30/6/2015, vốn chủ sở hữu của Công ty âm tới 315 tỷ đồng. Trước tình trạng đó, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 4798/QĐ-UBND ngày 1/9/2016 để tái cơ cấu, chuyển đổi Haprosimex. Theo đó, DATC (trong vai trò chủ nợ - PV) dùng nợ lãi vay và nợ gốc vay giảm trừ một phần nợ tương ứng với phần âm vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Haprosimex là hơn 264 tỷ đồng để giúp Haprosimex đủ điều kiện tái cơ cấu, chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Theo phương án cổ phần hóa, sau khi trở thành công ty cổ phần, tổng số vốn điều lệ của Công ty là 120 tỷ đồng, cổ phần phát hành lần đầu là 12 nghìn đơn vị với mệnh giá là 10 nghìn đồng/CP. Trong đó, cơ cấu vốn điều lệ như sau: DATC nắm giữ 8 triệu cổ phần, tương ứng 80 tỷ đồng, chiếm 66,67% vốn điều lệ, theo phương án chuyển nợ thành vốn góp với tỷ lệ 1:1 (10 nghìn đồng/cổ phần); cổ phần bán cho người lao động trong doanh nghiệp theo năm công tác (đến thời điểm 31/12/2015) là 114.600 cổ phần, chiếm 0,95% vốn điều lệ; số lượng bán thêm cho người lao động theo mức 200 cổ phần/năm, có cam kết làm việc tiếp tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa là 50.700 cổ phần, chiếm tỷ lệ 0,42% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai gần 4 triệu cổ phần, chiếm 31,96% vốn điều lệ.
Thực hiện kế hoạch này, Haprosimex đã tiến hành bán đấu giá gần 4 triệu cổ phần ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 2/2017. Tuy nhiên, chỉ có 2 cá nhân mua 0,78% số lượng cổ phần trên. Theo nguồn tin từ một cán bộ của Haprosimex, sau đó DATC đã mua lại số cổ phần không bán hết và hiện tại nắm giữ hơn 90% vốn điều lệ của Haprosimex. Như vậy, DATC có quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh của Haprosimex
Mục tiêu đầy thách thức
Sau khi cổ phần hóa, Haprosimex định hướng tập trung vào 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu: sản xuất và kinh doanh các sản phẩm may mặc, chủ yếu là hàng dệt kim, được sản xuất bằng thiết bị tiên tiến, công nghệ cao; kinh doanh xuất nhập khẩu hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, nông sản, và quản lý vốn tại các công ty có vốn đầu tư từ trước; khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch.
Năm 2017, năm đầu tiên thực hiện tái cơ cấu toàn diện, Haprosimex đặt mục tiêu 563 tỷ đồng doanh thu. Các năm 2018 và 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu lần lượt là 701 tỷ đồng và 838 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của Haprosimex, nhà máy dệt kim là nguồn thu chính, chiếm tới trên 60% tổng doanh thu.
Về chỉ tiêu lợi nhuận trong 3 năm sau cổ phần hóa, Công ty đặt mục tiêu có lãi 24 tỷ đồng ngay sau khi tái cơ cấu trong năm 2017. Hai năm tiếp theo, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm lần lượt là 30% và 23%. Đặc biệt, Công ty cũng đặt ra kế hoạch cổ tức 5% trong năm 2017 và sẽ tăng thêm 5% cho các năm tiếp theo.
Rõ ràng, các kế hoạch trên của DATC là đầy tham vọng, bởi trong quá khứ Haprosimex còn nhiều tồn đọng liên quan đến sai phạm của các cán bộ cũ vẫn phải tiếp tục xử lý.
Theo kết luận của UBND TP. Hà Nội tại Văn bản số 51/KL-UBND ngày 4/11/2016 về nội dung tố cáo của một số người lao động ở Nhà máy Dệt kim Haprosimex, Khu công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - Chi nhánh Công ty TNHH MTV Haprosimex, ông Nguyễn Cự Tẩm – Giám đốc Nhà máy Dệt kim Haprosimex bị tố cáo có hành vi sai phạm trong việc chi trả tiền lương, đóng bảo hiểm cho người lao động, người lao động không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bán tài sản, máy móc đang hoạt động sản xuất. Theo đó, UBND TP. Hà Nội kết luận nội dung công dân tố cáo là đúng, đồng thời giao Công ty TNHH MTV Haprosimex thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót, vi phạm.