Việc thành lập, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã “phát tín hiệu” hỗ trợ, dẫn đường cho nhà đầu tư, kết nối nguồn lực trong nước và nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên |
Cùng với đó, trên trường quốc tế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam được củng cố, gia tăng, đang mở ra triển vọng tươi sáng đối với KNĐMST - “chìa khóa”, “động lực” đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Nhà đầu tư đặt niềm tin và “xuống tiền”
Năm 2020, Việt Nam trở thành điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới; là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Phát biểu tại Lễ khởi công NIC và khai mạc VIIE 2021 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả trên cho thấy một triển vọng kinh tế rất tươi sáng phía trước; niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.
Vì thế, năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn bủa vây sản xuất kinh doanh toàn cầu thì dòng vốn đầu tư đổ vào KNĐMST Việt Nam, nhất là những mô hình kinh doanh và công nghệ mới trở nên hấp dẫn với sự tăng trưởng vượt bậc.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (VVS) 2020 tổ chức cuối tháng 11/2020, có 33 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư 815 triệu USD vào hoạt động KNĐMST Việt Nam. So với VVS 2019 - khi dịch chưa xuất hiện, số lượng nhà đầu tư cam kết tại VVS 2020 tăng gấp rưỡi, số tiền đầu tư tăng gấp đôi.
Về cơ hội đầu tư, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc khu vực Quỹ đầu tư Nextrans đánh giá: “Thị trường đầu tư KNĐMST Việt Nam đang rất hấp dẫn các quỹ đầu tư, bởi họ nhìn thấy những cơ hội đầu tư “màu mỡ” với nhiều điểm mạnh”.
Theo bà Tuệ Lâm, điểm mạnh là Việt Nam có dân số đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia). Với mức dân số này, một DN startup dù họ bán cái gì mà khiến người dân chi trả 1 USD/dịch vụ/tháng thì trong vòng 1 tháng doanh thu cũng có được 95 triệu USD. Chưa kể, tỷ lệ dùng smart phone cao, kinh tế phát triển, chính trị ổn định… là những lý do hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm đặt niềm tin và rót tiền đầu tư.
Chung nhận định, ông Trần Hữu Đức, Tổng giám đốc Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) cho rằng: “Đầu tư vào lĩnh vực này đang có đà phát triển rất tốt. Chưa bao giờ chúng ta nhận được sự quan tâm lớn từ các quỹ đầu tư ngoại như hiện nay”. Nhà đầu tư này cho biết, bản chất của đầu tư mạo hiểm là niềm tin vào sự phát triển của lĩnh vực sẽ đầu tư. Vì thế, khi một nhà đầu tư quyết định rót vốn, điều này nói lên câu chuyện của niềm tin.
Ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Warburg Pincus - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới - đánh giá: “Việt Nam đã có những nền tảng mạnh mẽ cho hoạt động này và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam”.
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2021, Ví Mo Mo “mở màn” công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Sau đó ít ngày, Công ty CP Thanh toán G (Gpay) công bố gọi vốn thành công vòng đầu tư thứ nhất từ nhà đầu tư Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng…
Nhiều việc cần làm để thị trường hấp dẫn hơn
Nhắc lại trào lưu startup hoạt động tại Việt Nam nhưng lại sang Singapore hay một số quốc gia khác đăng ký kinh doanh nhằm nhận ưu đãi, bà Tuệ Lâm cho rằng: “Từ phía các quỹ đầu tư, chúng tôi nhìn thấy, chính sách pháp luật của Singapore hỗ trợ rất nhiều cho DN KNĐMST. Tuy vậy, đây không phải là thách thức quá lớn với nhà đầu tư ngoại tại thị trường Việt Nam, bởi theo thời gian, khung pháp lý cho hoạt động này sẽ hoàn thiện dần”.
Thực tế đến nay, cơ chế pháp lý đối với đầu tư mạo hiểm cho KNĐMST vẫn chưa rõ ràng. CEO Nextrans tin tưởng, Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để hóa giải vấn đề này. Động thái thành lập, khởi công xây dựng NIC vừa qua của Chính phủ đã “phát tín hiệu” hỗ trợ, dẫn đường cho nhà đầu tư, kết nối nguồn lực trong nước và nước ngoài, khiến các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan về thị trường.
“Hiện rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của thế giới muốn vào Việt Nam nhưng họ không biết bằng cách nào tìm được startup và làm thế nào để được đầu tư vào startup đó. Thực tế, có không ít quỹ đã bỏ rất nhiều tiền để tìm cơ hội đầu tư thông qua các dịch vụ tư vấn, nhưng dường như không hiệu quả. Hy vọng tới đây, NIC chính là người dẫn đường cho nhà đầu tư”, bà Lâm chia sẻ.
Quan tâm đến câu chuyện làm thế nào để thị trường đầu tư KNĐMST Việt Nam hấp dẫn hơn, đại diện Quỹ VIISA cho rằng còn nhiều việc phải làm. Đó là cần phải hoàn thiện các quy định liên quan đến thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm ở trong nước; cần một đầu mối chuyên trách giải đáp những thắc mắc của các nhà đầu tư khi họ quan tâm.
“Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, nhưng Việt Nam không phải là địa chỉ duy nhất họ tìm đến”, ông Đức nhấn mạnh và cho rằng, cần có những chính sách tạo nên cầu nối để nguồn vốn của các nhà đầu tư vào trong nước dễ dàng hơn.
Một số nhà đầu tư quốc tế nhấn mạnh yêu cầu, các DN KNĐMST cần nâng cao năng lực chuyên môn, trong đó có năng lực quản lý để gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư. Bởi “xét về lịch sử thị trường này của Việt Nam so với thế giới vẫn còn non trẻ, năng lực chuyên môn còn chưa chín…”, một nhà đầu tư nhận xét.
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng nhau để thực sự tạo ra được những kết quả thiết thực, những chuyển biến cụ thể cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam.
Hy vọng rằng với những nỗ lực đó cùng sự khởi đầu thuận lợi những ngày đầu năm mới, dòng vốn đầu tư KNĐMST sẽ được khơi thông, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.