NIC: Điểm nhấn thúc đẩy đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tổng mức đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng, công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. NIC được kỳ vọng là một điểm nhấn quan trọng trong việc dẫn dắt, kết nối, hội tụ, lan tỏa và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong mỗi người dân và doanh nghiệp (DN). Qua đó góp phần hiện thực hóa cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
NIC sẽ là nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm, nơi đặt phòng thí nghiệm nhằm giúp các cá nhân, DN hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm
NIC sẽ là nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm, nơi đặt phòng thí nghiệm nhằm giúp các cá nhân, DN hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Ảnh: Tường Lâm

Nơi hội tụ các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Trung tâm ĐMST quốc gia được thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Sự ra đời của Trung tâm được xem là bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa chủ trương nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại cuộc họp báo diễn ra trước thềm lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông nhấn mạnh, NIC mang tầm quốc gia, là cơ quan đầu mối tham mưu cho Bộ KH&ĐT trong việc thúc đẩy ĐMST trên cả nước. “Sau khi hoàn thành, NIC sẽ là nơi hội tụ, đặt văn phòng của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm, nơi đặt phòng thí nghiệm nhằm giúp các cá nhân, DN hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cũng như lợi ích cho cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Theo kế hoạch, NIC sẽ được xây dựng các phân khu chức năng chính, gồm: Trung tâm dịch vụ tích hợp; không gian làm việc cho các công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước; không gian làm việc chung cho các quỹ đầu tư mạo hiểm và DN ĐMST; khu phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo nguyên mẫu; trung tâm tổ chức sự kiện, triển lãm…

Ông Vũ Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách NIC cho biết, NIC được đặt trong khu công nghệ cao để góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hòa Lạc thành khu đô thị khoa học công nghệ, sinh thái vào năm 2030. Đồng thời tận dụng được các thành phần của hệ sinh thái ĐMST đang có của Khu công nghệ cao Hòa Lạc như cơ sở của các tập đoàn công nghệ lớn (Viettel, Vingroup, Trường Đại học FPT…).

Ngoài cơ sở trên, NIC sẽ có nhiều cơ sở khác. Tại Hà Nội, NIC sẽ có cơ sở tại tòa nhà Bộ KH&ĐT (ngõ 7, phố Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy) và một số cơ sở khác hiện đang phối hợp với UBND TP. Hà Nội để xác định địa điểm và thực hiện các thủ tục điều chuyển.

Cơ chế ưu đãi vượt trội

Ngay sau khi thành lập NIC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm. Đây là cơ sở pháp lý tạo thuận lợi cho NIC cũng như các cá nhân, tổ chức hoạt động tại Trung tâm trong việc triển khai các hoạt động gắn với ĐMST.

Nghị định số 94 cho phép áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định pháp luật đối với NIC cũng như các cơ sở hoạt động tại NIC nhằm hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Nghị định cũng đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội đối với NIC cũng như với cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại NIC.

Cụ thể, về chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển chung, Nghị định nêu rõ, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm… Nghị định cũng đưa ra cơ chế chính sách ưu đãi về thị thực và lao động nước ngoài, về tín dụng đầu tư. Riêng với NIC tại Hòa Lạc được hưởng các ưu đãi về đất đai và mặt bằng hoạt động.

Đặc biệt, DN khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm khi tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Khi đánh giá, xếp hạng hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nhà thầu là DN nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, DN siêu nhỏ khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm được hưởng ưu đãi như đối với trường hợp nhà thầu cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Cách tính ưu đãi thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề