Tín hiệu tốt cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 13/1, MoMo - một công ty ví điện tử tại Việt Nam - công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Đây được xem là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực fintech nói riêng.
Fintech đã và đang mang tới những đổi mới sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số. Ảnh: Lê Tiên
Fintech đã và đang mang tới những đổi mới sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thành vòng gọi vốn đặc biệt

Trong Lễ công bố hoàn thành vòng gọi vốn diễn ra sáng ngày 13/01, tại Hà Nội, ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Ví MoMo cho biết: Công ty đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 với sự tham gia của 6 nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Trong số này có các nhà đầu tư mới (Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital) cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng Siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời ra mắt Quỹ đầu tư ĐMST MoMo nhằm hỗ trợ các DN khởi nghiệp ĐMST phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn của MoMo.

Ông Đức chia sẻ, cách đây khoảng 12 tháng, MoMo có kế hoạch gọi vốn. “Lúc đó, MoMo chỉ đơn giản nghĩ là tiến hành theo cách truyền thống với dự kiến sẽ sang Mỹ hay Singapore để tìm kiếm nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau đó đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân hạn chế di chuyển buộc chúng tôi phải thay đổi.”, ông Đức cho biết.

“Đây là lần gọi vốn đầu tiên không phải đi đâu và cũng không phải tiếp đón ai. Các nhà đầu tư và chúng tôi đều làm việc từ xa thông qua hệ thống công nghệ”, lãnh đạo Ví MoMo cho biết và nhấn mạnh, chính điều này đã chứng minh rằng, thông tin dữ liệu và niềm tin đã khiến nhà đầu tư quyết định chọn đồng hành cùng MoMo.

Niềm tin vào sự bứt phá của DN đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Hoan nghênh việc MoMo hoàn thành vòng gọi vốn lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Đây là một tín hiệu tốt cho các DN ĐMST Việt Nam nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực fintech nói riêng”.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đây là một cuộc chơi mà mỗi quốc gia sẽ phải mặc định là một phần trong đó. Việt Nam cần nắm bắt nhanh chóng cơ hội từ cuộc cách mạng này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhận định, Việt Nam cần phải bắt kịp, tiến cùng và lựa chọn một số lĩnh vực thế mạnh để vượt lên.

Nằm trong xu hướng CMCN4.0, fintech đã và đang mang tới những ĐMST làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số.

Tại Việt Nam, từ năm 2015, các DN ĐMST về fintech bắt đầu phát triển, từ đó dần trở thành một tín hiệu tốt gây chú ý với cộng đồng cũng như các DN đang hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, con số này còn rất khiêm tốn.

Một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017 - 2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty fintech, con số này với Malaysia là 196 và Indonesia là 262. Ở Việt Nam, MoMo là một trong những fintech hiếm hoi có sự góp mặt các startup tầm thế giới khi từng lọt Top 100 fintech thế giới.

Bên lề Lễ công bố, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “6 nhà đầu tư vào lĩnh vực fintech của MoMo là những quỹ đầu tư có tiếng trên thế giới. Điều này chứng tỏ rằng, các DN Việt Nam khi bước vào thị trường quốc tế đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình. Môi trường kinh doanh Việt Nam đang rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST”. Hơn nữa, theo ông Kiên, thông qua việc các nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp ĐMST cho thấy, đến nay, hệ thống văn bản pháp quy cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ. “Con đường chúng ta đang đi lấy khoa học công nghệ, ĐMST làm động lực phát triển là đúng”, ông Kiên nhấn mạnh.

Nhìn vào hình thức gọi vốn trực tuyến của MoMo, ông Kiên cho rằng, đây là điều chưa từng có và chưa hình dung ra được khi chưa có đại dịch Covid-19 tác động. “Hình thức này đang gợi mở cho các cơ quan quản lý nhà nước về việc đổi mới thể chế quản lý nhằm phù hợp với bước tiến của công nghệ trong thời kỳ mới”.

Chuyên đề