Đất đai “ngáng đường” cổ phần hóa

(BĐT) - Hàng triệu mét vuông đất chưa được phân loại rõ, nhiều hồ sơ đất đai của doanh nghiệp mất đến cả năm mới được chính quyền địa phương phê duyệt. Ách tắc ở điểm chốt về đất đã và đang cản trở tiến độ cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Việc xác định lại quyền sở hữu, giá trị các mảnh đất mà doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng mất khá nhiều thời gian. Ảnh: Lê Tiên
Việc xác định lại quyền sở hữu, giá trị các mảnh đất mà doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng mất khá nhiều thời gian. Ảnh: Lê Tiên

Rối rắm quyền sử dụng đất

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngân hàng Agribank sẽ cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020. Trên thực tế, ngân hàng này đã có kế hoạch cổ phần hóa vào năm 2019. Tuy nhiên, làm rõ tình trạng từng mảnh đất trong khoảng 4 triệu mét vuông đang được ngân hàng này sử dụng là phần việc gian nan nhất cần giải quyết để DN này không lỡ hẹn với nhiệm vụ đã được Chính phủ giao.

Bộ Tài chính cho biết, phần lớn các mảnh đất của Agribank đều chưa hoàn thiện về hồ sơ, chưa chuyển tên cho Công ty TNHH MTV Agribank. Ngoài ra, có nhiều mảnh đất trước đây Agribank được địa phương cho làm điểm giao dịch nhưng không có chứng từ, hồ sơ. “Nếu sau này địa phương đó lên thành đô thị, thì cách tính toán như thế nào? Những mảnh đất chưa có giấy tờ này lại cần phải làm xác đáng hơn”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Theo ông Tiến, việc xử lý đất trước cổ phần hóa của ngân hàng này phải làm từng mảnh riêng. Cụ thể, từng chi nhánh ngân hàng phải liệt kê được là có bao nhiêu điểm giao dịch, sau đó, cả ngân hàng tập hợp xem có tổng bao nhiêu mảnh đất. Đây là căn cứ để xây dựng phương án với nội dung cụ thể là bao nhiêu mảnh giữ lại, bao nhiêu mảnh bàn giao, bao nhiêu mảnh sử dụng không hiệu quả. Tiếp đó, Ngân hàng sẽ gửi cho UBND các địa phương để phê duyệt phương án sử dụng. Đến lúc thực hiện cổ phần hóa thì “chốt” lại một lần nữa với địa phương để xác định xem quy hoạch đó vẫn như ban đầu hay đã thay đổi. Trong trường hợp mảnh đất được giữ lại cho DN thì phải xem lại giá đất mới để xác định đúng giá trị.

Không chỉ Agribank, một số DN khác cũng bị vướng về đất đai trước cổ phần hóa. Chẳng hạn, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) từng được giao rất nhiều mảnh đất để làm điểm giao dịch, các mảnh đất này đang ở tình trạng chưa rõ rệt về quyền sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa Bưu điện Việt Nam và VNPT nên cần phải xác định lại. Tương tự, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Thương mại TP.HCM đều đã từng sử dụng nhiều đất với tình trạng khác nhau và cần làm chặt chẽ, tính toán lại tất cả phương án đất. 

Chính quyền địa phương không vô can

Về khung khổ pháp lý, việc xử lý đất đai với DNNN trong cổ phần hoá được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (CTCP) và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN, công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn thành CTCP.

Cụ thể, các DNNN đang sử dụng đất phải thống kê, xây dựng phương án sử dụng nhà đất để trình UBND địa phương phê duyệt và thu hồi các diện tích đất không sử dụng. Khi có kế hoạch cổ phần hóa, DN gửi phương án đó cho UBND cấp tỉnh, thành phố để “chốt” lại các phương án sử dụng đất. Nếu có thay đổi, UBND phải thông báo điều chỉnh phương án của DN. Đồng thời, UBND địa phương cung cấp giá đất mới để DN chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm và phần chênh lệch giữa mức giá thuê đất cũ với mức giá thuê đất mới sẽ phải thu nộp ngân sách địa phương.

Với quy trình đó, thực trạng phức tạp về đất đai tại các DN nêu trên là nguyên nhân khách quan khiến quá trình cổ phần hóa bị chậm. Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc làm rõ về đất đai sẽ mất khá nhiều thời gian là thực tế hiện nay, thế nhưng, có mảnh đất đã được DN nộp hồ sơ lên UBND tỉnh, thành phố cả năm mới nhận được ý kiến phê duyệt và sự chậm trễ này có trách nhiệm của chính quyền địa phương. “Trước đây, DNNN không chịu xác định rõ tình trạng các mảnh đất đang sử dụng, bây giờ mới bắt tay làm nên ai cũng thấy cần phải cẩn trọng. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, DNNN phải làm rõ luôn các phương án sử dụng đất và chia rõ trách nhiệm giữa DN và UBND tỉnh, thành phố”, ông Tiến nhấn mạnh. 

Cũng gặp trở ngại về việc xác định tình trạng đất trước khi cổ phần hóa, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà và đô thị (HUD) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định xử lý chi tiết đối với trường hợp quá thời hạn quy định nhưng các địa phương không có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất, giá đất cụ thể.

Cùng quan điểm này, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét quy định về thời hạn UBND trả lời về phương án sử dụng đất, giá đất phù hợp thực tế để xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Bình luận về cách làm mới này, ông Đặng Quyết Tiến nói: “Cách xử lý đất đai theo các quy định mới về cổ phần hóa là chặt chẽ hơn trước nên chậm hơn một chút. Tuy nhiên, thà chậm nhưng minh bạch và tính đúng, tính đủ, không làm thất thoát tài sản nhà nước”.

Chuyên đề