Đánh thức tiềm năng tín dụng xanh: Chuyện không chỉ của ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường tài chính và ngân hàng giao dịch VPBank cho biết, tín dụng xanh của ngân hàng này đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian qua và hiện đạt khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, giữa khách hàng và ngân hàng đang có một khoảng cách khi Việt Nam chưa có quy chuẩn để xác định dự án xanh.
Quy mô dư nợ tín dụng xanh tính đến tháng 6/2023 đạt gần 528.300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh. Ảnh: Lê Tiên
Quy mô dư nợ tín dụng xanh tính đến tháng 6/2023 đạt gần 528.300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và nông nghiệp xanh. Ảnh: Lê Tiên

Không riêng VPBank, nhiều ngân hàng đang triển khai tín dụng xanh cũng gặp khó khăn thiếu cơ sở pháp lý, trong khi đây là mảng tín dụng được đánh giá có rất nhiều tiềm năng.

Tín dụng xanh còn cách xa mục tiêu

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống cho các lĩnh vực xanh tại Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hơn 23%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô dư nợ tính đến tháng 6/2023 đạt gần 528.300 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (45%) và nông nghiệp xanh (31%). Mặc dù có 43 tổ chức tín dụng ở Việt Nam tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh năm 2023, nhưng kết quả trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện còn cách khá xa mục tiêu chiếm 10% tổng dư nợ vào cuối năm 2025.

Về trái phiếu xanh, theo ghi nhận của phóng viên, các thương vụ phát hành còn khá hạn chế. Mới đây nhất, hai công ty thuộc BIM Group là BIM Land và Công ty CP Thanh Xuân đã phát hành thành công 3.500 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ đầu tiên ở Việt Nam cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) để phát triển dự án bất động sản thân thiện với môi trường tại Vĩnh Phúc. Trước đó, năm 2021, BIM Land cũng phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu xanh. Ngoài BIM Group, các thương vụ trái phiếu xanh khác đến từ một số doanh nghiệp lớn trong nước như Vinpearl (thuộc Vingroup), EVNFinance.

Hai nguồn vốn phổ biến để tài trợ cho các dự án xanh tại Việt Nam hiện nay là tín dụng và trái phiếu, trong đó tín dụng xanh đang là lĩnh vực đang có bước tiến nhiều nhất nhưng con số đạt được đến nay vẫn ở mức khiêm tốn.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, thị trường tài chính xanh của Việt Nam mới manh nha. Khung pháp lý và chính sách, các quy định tài chính xanh dừng ở mức định hướng, thiếu cụ thể, đặc biệt là tiêu chí xanh, dự án xanh, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng vốn huy động. Trong khi đó, hạ tầng hỗ trợ chưa đầy đủ, thể hiện ở số lượng các đơn vị tư vấn phát hành, xác nhận tiêu chuẩn xanh theo chuẩn quốc tế còn ít. Ngoài ra, văn hóa kinh doanh, đầu tư gắn với trách nhiệm xã hội hay mục tiêu bảo vệ môi trường chưa hình thành.

Theo nhìn nhận của một số chuyên gia, hầu hết doanh nghiệp đang khá dè dặt trong việc tiếp cận kinh tế xanh do gánh nặng về chi phí hay tốn kém thời gian. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, dẫn đến sự hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế xanh.

Tính đến 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng. Ảnh: Song Lê

Tính đến 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng. Ảnh: Song Lê

Cần sớm có quy chuẩn cụ thể về dự án xanh

Tại cuộc tọa đàm về xanh hóa ngành ngân hàng do IFC tổ chức tuần qua, bà Võ Hằng Phương, Giám đốc khối Thị trường tài chính và ngân hàng giao dịch VPBank chia sẻ, để khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang dự án xanh, VPBank đang áp dụng mức lãi suất thấp hơn 1,5% so với dự án thông thường. Tuy nhiên, giữa khách hàng và ngân hàng đang có một khoảng cách khi Việt Nam chưa có quy chuẩn để xác định dự án xanh, trong khi VPBank đang áp dụng quy tắc về xanh của tổ chức quốc tế như IFC. Đây cũng là khó khăn Ngân hàng đang gặp phải trong việc cấp tín dụng cho các dự án xanh. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ sớm đưa ra định nghĩa thế nào là xanh, tiêu chí xanh rõ ràng”, bà Phương nhấn mạnh.

Theo bà Phương, nếu Chính phủ có khung pháp lý rõ ràng về khí thải, hiệu ứng nhà kính, hay tiêu chuẩn thế nào là xanh thì sẽ tạo ra chế tài mạnh mẽ hơn để ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển sang các dự án xanh. Bà Phương lấy ví dụ, để bán cà phê cho Starbucks, nhà cung ứng bắt buộc phải có chứng chỉ Rainforest.

Một vấn đề khác trong việc giải ngân cho các dự án xanh mà VPBank gặp phải là thủ tục cấp phép. Cụ thể, VPBank đang nhận được sự ủy thác tài trợ xanh từ nhiều tổ chức quốc tế cho các dự án đạt tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, khi tìm kiếm dự án xanh mà các tổ chức này có nhu cầu đầu tư thì Ngân hàng hoặc chính các tổ chức này phải đi xin No-objection letter (thư không phản đối) từ các bộ, ban ngành. Việc cấp phép này mất rất nhiều thời gian khiến Ngân hàng không thể thu xếp vốn được dù khách hàng đã có nhu cầu giải ngân. Trong khi các tổ chức cho vay đã chuẩn bị sẵn tiền nên Ngân hàng phải mất thêm phí cam kết (commitment fee).

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, khó khăn hiện nay là tiêu chí, tiêu chuẩn để xác định dự án xanh, hiện vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Bên cạnh đó, việc tài trợ vốn cho các dự án xanh cũng gặp phải thách thức về tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì các dự án xanh như năng lượng tái tạo luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời hạn vay dài, lãi suất hợp lý, trong khi đó nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.

Về chính sách tín dụng xanh, ông Hải đề xuất NHNN xem xét việc tái cấp vốn dựa trên danh mục tín dụng xanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, nên có cơ chế ưu đãi hoặc tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng như giảm hệ số rủi ro đối với khoản vay tài trợ cho dự án xanh, hoặc xem xét tín dụng cho các dự án xanh có nên tính vào giới hạn tín dụng hàng năm của các ngân hàng hay không?

Hiện BIDV đang là ngân hàng tài trợ lớn nhất cho các dự án xanh. Tính đến 30/6/2023, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho 1.776 dự án, với 1.447 khách hàng. Dư nợ cho các dự án xanh đạt 2,81 tỷ USD, chiếm 4,1% tổng dư nợ tại BIDV. BIDV đã ban hành Khung Quản lý rủi ro môi trường xã hội (Khung ESMS) vào năm 2018; Khung Khoản vay bền vững (tháng 2/2023); quy định về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (tháng 5/2023) và dự kiến ban hành Khung trái phiếu xanh trong năm nay.

Tại Agribank, giai đoạn 2018-2020, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng rất mạnh, đến 350%/năm. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ. Agribank phát triển mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh.

Được đánh giá còn nhiều tiềm năng, nhưng việc triển khai các công cụ tài chính xanh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam vẫn khá khiêm tốn. Do đó, để thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam đạt mục tiêu kế hoạch, nhiều ý kiến mong đợi cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chí phân loại dự án xanh, hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định cụ thể, định hướng các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh.

Chuyên đề