Tình trạng nêu trên là một trong những biểu hiện tiêu cực trong đấu thầu cần được cơ quan quản lý các cấp xử lý kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà thầu.
Việc cố tình né tránh, trốn bán HSMT cho nhà thầu trước hết là hành vi cản trở đối với nhà thầu, thuộc hành vi bị cấm theo Điểm b Khoản 5 Điều 89 Luật Đấu thầu. Đối với hành vi này, theo quy định tại Khoản 5 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm.
Những rào cản ngăn nhà thầu tiếp cận HSMT được không ít bên mời thầu/chủ đầu tư dựng lên phổ biến như: người được giao bán HSMT liên tục không có mặt ở địa điểm phát hành HSMT; những người liên quan đến việc phát hành HSMT bận họp, đi vắng nên không thể làm các thủ tục bán HSMT; HSMT đang trong quá trình photo thêm nên không có để bán…
Thậm chí, với không ít gói thầu, trong suốt thời gian phát hành HSMT đã không có 1 bộ HSMT nào được bán ra ngoài cho nhà thầu “lạ”.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, những hành vi như nêu trên của chủ đầu tư/bên mời thầu là những chỉ báo của những cuộc thầu “quân xanh quân đỏ”, đã định sẵn “đáp số”. Từ đó có thể thấy rằng, việc thông báo mời thầu rộng rãi của chủ đầu tư/bên mời thầu là sự đối phó với quy định pháp luật về đấu thầu nhằm hợp thức hóa cho việc lựa chọn nhà thầu được “nhắm” từ trước. Thậm chí, thực tế đấu thầu đã xảy ra tình trạng thi công trước đấu thầu.
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có sự quyết tâm và vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng, những cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu ở Trung ương và địa phương để chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, nếu không thì các mục tiêu, giá trị cốt lõi của pháp luật về đấu thầu chỉ nằm trên giấy.