Bà Võ Thị Thanh là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn. |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Phú Tài vừa thông báo chào bán và tìm kiếm đơn vị thẩm định giá trị khoản nợ xấu của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Dư nợ gốc BIDV Phú Tài cho Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân liên quan vay trị giá hơn 1.208 tỷ đồng. Phần lãi tính đến cuối năm ngoái là 1.070 tỷ đồng.
Khoản vay này được đảm bảo bằng trụ sở công ty tại quận 1 và hai khu đất với tổng diện tích 22 hecta tại huyện Bình Chánh. 5,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thuận Thảo (mã chứng khoán: GTT) cũng được mang ra làm tài sản đảm bảo, nhưng giá trị hiện tại của khối cổ phiếu này chưa đầy 3 tỷ đồng.
Thuận Thảo Nam Sài Gòn là doanh nghiệp do bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Thuận Thảo, thành lập từ năm 2004 với mục tiêu lấn sân bất động sản sau thành công vang dội trong lĩnh vực vận tải hành khách. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là xây dựng công trình dân dụng. Sau gần mười năm hoạt động, công ty được UBND TP HCM phê duyệt làm chủ đầu tư dự án khu nhà ở xã hội Tây Sài Gòn.
Đây cũng là thời điểm Thuận Thảo Nam Sài Gòn ráo riết vay mượn vốn ngân hàng, đối tác để phát triển dự án. Sau BIDV Phú Tài, công ty ký hợp đồng vay 400 tỷ đồng từ Thuận Thảo với thời hạn một năm và lãi suất 14,4%.
Do gặp khó khăn trong đầu tư nên cuối năm đó, hai bên đồng ý điều chỉnh thời hạn vay thành 24 tháng và không tính lãi suất trong năm 2014. Ban lãnh đạo công ty từng nhận định đây là dự án tiềm năng nên sẽ không gặp rủi ro trong việc thu hồi nợ. Thực tế đến cuối năm qua, Thuận Thảo Nam Sài Gòn vẫn chưa thanh toán khoản nợ gốc và lãi vay lên đến 453 tỷ đồng khiến Thuận Thảo phải thừa nhận mất khả năng thu hồi và trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản vay này. Nguồn vốn công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau cú sảy chân vào bất động sản, dẫn đến tình trạng không còn vốn lưu động để sản xuất và tình hình tài chính mất cân đối.
Báo cáo tài chính quý IV/2017 vừa được Thuận Thảo công bố cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện lên gần 33% nhờ doanh nghiệp này mạnh dạn đóng cửa một số mảng kinh doanh không hiệu quả, đồng thời xử lý các tài sản thế chấp đang vay vốn tại ngân hàng nhằm có nguồn tiền phục vụ quá trình tái cấu trúc.
Lũy kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 48 tỷ đồng và âm 160 tỷ đồng. Dù không hoàn thành kế hoạch đề ra hồi đầu năm là giảm lỗ xuống 112 tỷ đồng, nhưng kết quả này vẫn khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ 300 tỷ của năm trước.
Hiện, công ty vẫn đối mặt với hàng loạt khó khăn như tài sản xuống cấp trầm trọng nhưng không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư nâng cấp, một số dự án như khu du lịch sinh thái, khách sạn 5 sao… có tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương nên doanh thu bèo bọt. Ngoài ra, việc tái cấu trúc cũng chưa được như kỳ vọng khi các khoản chi phí bất biến như tiền lương, khấu hao, quản lý doanh nghiệp còn quá cao.