Đà Nẵng: Khát vọng vươn tầm thành trung tâm công nghệ bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số được xem là “động lực” để Đà Nẵng giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Thành phố hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN, cùng tầm nhìn “đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống”.
Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng đang hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa vào khai thác, sử dụng
Công viên phần mềm số 2 tại Đà Nẵng đang hoàn tất thủ tục pháp lý để đưa vào khai thác, sử dụng

Năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới.

Nhập cuộc từ cơ sở đào tạo nhân lực

Cuối tháng 12/2023, Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) - Đại học Đà Nẵng công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024 với nhiều nội dung, chính sách hỗ trợ người học, học bổng dành cho thí sinh có kết quả cao, trong đó có ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là trường thứ 2 (cùng với Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng) của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở và đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn. “Sẽ có 4 mã ngành/chuyên ngành mới gồm đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn, marketing, công nghệ truyền thông, an toàn thông tin được mở mới. Đây là những ngành đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao từ thị trường trong nước và quốc tế”, lãnh đạo VKU cho hay. Theo ông Hà Đắc Bình, Hiệu trưởng Trường Công nghệ - Đại học Duy Tân, vi mạch bán dẫn là ngành học khá “kén chọn”, đòi hỏi người học phải có kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và ngoại ngữ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng nêu lên thực tế, lượng sinh viên lĩnh vực vi mạch, bán dẫn so với các ngành đào tạo chung của Trường mới chiếm khoảng 10%. Đây là những vấn đề mà các trường đại học, cơ sở đào tạo và các cấp quản lý cần quan tâm và có giải pháp trong thời gian tới. “Trước đây, đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đa số doanh nghiệp tiếp cận theo hướng lập trình. Hiện nay, chuyển hướng theo phát triển xây dựng thiết kế. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, UBND TP. Đà Nẵng đã có chỉ đạo các sở, ngành liên quan chủ động làm việc với các trường đại học để thiết lập liên minh đào tạo; xây dựng hạ tầng để bảo đảm các trường có nơi thực hiện mô phỏng, kiểm thử, rút ngắn thời gian đưa ra sản phẩm”, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận định, Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam và thế giới. Để tận dụng lợi thế này, theo ông Bình, Đà Nẵng cần có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất công nghệ và thiết bị bán dẫn, góp phần nội địa hóa chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Dẫn chứng về Đại học FPT, ông Bình cho biết, mỗi năm, trường có từ 6.000 đến 7.000 sinh viên công nghệ tốt nghiệp, tiếp tục được đào tạo thêm 6 tháng với Tập đoàn Synopsys (Mỹ) có cơ sở tại Đà Nẵng. Sinh viên được đào tạo và làm việc với các chuyên gia đã góp phần cung ứng hàng nghìn nhân lực ngành công nghệ cho Đà Nẵng.

Đến chính quyền hành động

Tuần giữa tháng 11/2023, đoàn công tác của TP. Đà Nẵng do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu có chuyến công tác tại Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ Tọa đàm bàn tròn Kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ và các địa phương Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN phối hợp tổ chức, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, UBND TP. Đà Nẵng và Công ty Synopsys đã trao bản ghi nhớ thể hiện Synopsys cam kết hỗ trợ Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn và mở rộng hợp tác ngành bán dẫn.

Cũng trong thời gian này, hội thảo “Đà Nẵng - Điểm đến đầu tư lĩnh vực bán dẫn” được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng bán dẫn tại Hoa Kỳ. Thông tin đến đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế chip, vi mạch và từng bước phát triển khâu kiểm thử, đóng gói chip. “Đà Nẵng sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các công ty triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu cùng chia sẻ giá trị và lợi ích chung”, ông Quảng nhấn mạnh.

“Tiềm năng của ngành vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng đã được định hình thông qua các công ty về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, ASavarti, Renesas, Synapse, FPTSemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư đang làm việc. Đến nay, Thành phố có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số; tổng số nhân lực công nghệ số là 46.000 người”, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ.

Đối với hạ tầng ngành công nghệ, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố thông tin, Đà Nẵng hiện có một khu công nghệ cao; 6 khu công nghiệp và chế xuất; 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động (Khu công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu phức hợp FPT, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn I). Theo ông Nam, thời gian qua, Thành phố triển khai đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác; tiếp tục mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn II; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân; hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay nên trước mắt có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đà Nẵng đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.

Cụ thể hoá nhiệm vụ trên, UBND TP. Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác và Tổ tư vấn triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch”. Tổ công tác do ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố làm Tổ trưởng, thực hiện nghiên cứu, xây dựng và điều phối tổ chức triển khai Đề án; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển vi mạch, bán dẫn trên địa bàn; đề xuất chính sách để thu hút đầu tư, nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển ngành vi mạch bán dẫn; nghiên cứu cơ chế thu hút chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn về Đà Nẵng để chuyển giao tri thức, kinh nghiệm bằng nhiều hình thức như hợp tác đầu tư, làm việc, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia sự kiện, hội nghị, hội thảo tại thành phố…

Chuyên đề