GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). Ảnh Internet |
Phải coi chất lượng là vấn đề quan trọng nhất
Đất nước đang bước vào giai đoạn mới, do đó, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, đã đến lúc cần phải có sự đồng bộ, thống nhất về quan điểm cũng như đánh giá đầy đủ hơn về vai trò của doanh nhân và doanh nghiệp. Đây là nghị quyết thứ ba của Bộ Chính trị về doanh nghiệp được ban hành trong năm nay. Trước đó là Nghị quyết về kinh tế tư nhân được coi là động lực kinh tế quan trọng, Nghị quyết về nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và đẩy nhanh cổ phần hóa. Có thể nói, năm 2018 - 2019 là năm của doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết 50, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định: “Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”. Đồng thuận với quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, doanh nhân, doanh nghiệp là đội quân chủ lực của nền kinh tế trong điều kiện kinh tế hiện nay. Nếu cả ba đội quân này cùng phát triển, trở thành động lực tăng trưởng thì mới có thể phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế số để tiến kịp với thế giới.
Bao trùm lên Nghị quyết về ĐTNN, Chủ tịch VAFIE nhận xét, là đánh giá những thành quả quan trọng, đồng thời vạch ra khiếm khuyết mà chúng ta chưa đạt được. Trong thu hút ĐTNN, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng cả số lượng và chất lượng.
Ngay từ những ngày đầu, chúng ta đã coi trọng chất lượng của các dự án ĐTNN và đã thành công. Chúng ta đã lựa chọn những nhà đầu tư, đối tác có tiềm năng lớn về công nghệ, trình độ quản lý. Nhờ thu hút ĐTNN mà nước ta đã thay đổi rất nhiều, từ phương thức sản xuất cho đến tiêu dùng. Đến nay, Việt Nam có hơn 200 tỷ USD vốn thực hiện. Nếu năm 2019 làm tốt thì có thể đạt xấp xỉ 19,5 - 20 tỷ USD vốn thực hiện.
Tuy nhiên, đã đến lúc phải coi chất lượng là vấn đề quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế muốn tăng tốc thì phải nâng cao hiệu quả mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sang nền kinh tế số. Việc thu hút ĐTNN cũng phải thực hiện theo mô hình tăng trưởng đó, coi trọng những dự án đem lại hiệu quả cao về công nghệ, dịch vụ hiện đại.
Nói như vậy, theo giáo sư, không có nghĩa là chỉ nói đến chất lượng mà không nói đến số lượng. Mục đích trước hết của thu hút ĐTNN là vốn. Do đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, bình quân mỗi năm phải đạt từ 30 - 40 tỷ USD vốn đăng ký và 20 - 30 tỷ USD vốn thực hiện. Trong giai đoạn 2026 - 2030, bình quân mỗi năm phải đạt từ 40 - 50 tỷ USD vốn đăng ký và 30 - 40 tỷ USD vốn thực hiện.
Chủ động lựa chọn và giám sát lựa chọn dự án, nhà đầu tư
Bên cạnh những thành quả đạt được trong hơn 30 năm qua, Bộ Chính trị đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong khâu thực thi chính sách về ĐTNN, chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển cũng như những vấn đề phát sinh mới...Số lượng dự án có quy mô “vốn mỏng”, công nghệ thấp, thâm dụng lao động vẫn còn lớn. Hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, đất đai, vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường...
“Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”, Bộ Chính trị chỉ rõ. Đó là do nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội chưa đầy đủ, nhất quán; thu hút ĐTNN còn thiếu chọn lọc... Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã đề ra những biện pháp chủ yếu để khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN.
Như vậy là đường hướng và giải pháp đã có. Nhưng theo GS.TSKH Nguyễn Mại, quan trọng hơn, sau Nghị quyết này, phải thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý nhà nước. Nếu cứ để thời gian trôi đi, thì dù có bao nhiêu nghị quyết về ĐTNN cũng không có hiệu quả thực sự.
“Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian cũng là một thước đo thiệt - hơn. Sớm hơn 1 ngày đã khác, còn chậm hơn 1 ngày thì chúng ta hoàn toàn thất bại. Tại sao Trung Quốc có thể làm và thông qua luật chỉ trong vòng 3 tháng, còn Tổng thống Mỹ có thể thông qua được 1 luật sau khi ngủ dậy? Đó là vì họ có hội đồng cố vấn, sau đó tham khảo ý kiến và thông qua. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy theo kiểu xếp hàng thông qua luật như hiện nay thì rất nguy hiểm.
Lấy ví dụ về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài, vị giáo sư đau đáu, Bộ Chính trị đã đưa ra cảnh báo từ năm 2005 khi phát hiện Coca - Cola chuyển giá, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa có một văn bản luật nào về chống chuyển giá. 14 năm đã trôi qua rồi.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên nhắc đến vấn đề “vốn mỏng”, vốn "núp bóng"..., mà trong các nghị quyết, chính sách trước đây của Việt Nam đã có rồi. Thế nhưng, chúng ta vẫn để xảy ra những câu chuyện chậm tiến độ, đội vốn như câu chuyện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), Dự án Lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) “bỏ của chạy lấy người”...
“Nếu không thay đổi cách tiếp nhận đầu tư, chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu thu hút vốn ĐTNN theo mô hình tăng trưởng mới. Vấn đề của chúng ta lúc này là lựa chọn và giám sát lựa chọn”, vị giáo sư nhấn mạnh.