Cuộc tranh luận yếu thế chưa phải đòn knock out với Donald Trump

Việc bị đánh giá thấp hơn đối thủ trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên không thể khiến Donald Trump lập tức gục ngã trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận ngày tối26/9. Ảnh: Reuters
Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận ngày tối26/9. Ảnh: Reuters

Kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, diễn ra tối ngày 26/9 (8h ngày 27/9 giờ Việt Nam), ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton được đánh giá thể hiện thuyết phục hơn, luôn giữ thế áp đảo, đẩy đối thủ Donald Trump vào thế thủ, theo CNN.

Theo kết quả thăm dò tại chỗ của một số kênh truyền hình nổi tiếng nhưFox News, CNBC, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ vượt trội. Một số nhà phân tích còn gọi bà là người chiến thắng, đồng thời nhận định tỷ phú Trump đã thất bại toàn diện trong cuộc tranh luận.

Giáo sư Jean-Eric Branaa, thuộc đại học Sorbone Pháp nhận định mặc dù gặp nhiều bất lợi trong cuộc quyết đấu đầu tiên, hiện còn quá sớm để khẳng định kết quả cuộc tranh luận này có thể tác động tiêu cực đến tỷ lệ cử tri ủng hộ tỷ phú Trump trong cuộc bầu cử vào ngày 8/11 tới.

Minh chứng rõ nhất là ông Trump gần như không bị ảnh hưởng trước các cuộc tranh luận hay tranh cãi của các ứng viên đảng Cộng hòa ở giai đoạn tranh cử sơ bộ. Khi từ chối tham gia tích cực vào các buổi tranh luận này, một số nhà bình luận còn dự báo chiến dịch của tỷ phú New York đang đi xuống. Nhưng kết quả lại cho thấy điều ngược lại.

Rất có thể chiến thuật của tỷ phú Trump trong cuộc tranh luận lần này là tiếp tục củng cố và xoáy sâu vào những luận điểm từng giúp ông thu hút đông đảo cử tri, tránh mạo hiểm đưa ra các luận điểm mới để công kích đối thủ.

"Có thể nói ông Trump, trong một phạm vi nhất định, cũng đã hoàn thành cuộc tranh luận của mình. Nhiều khả năng mục tiêu lần này của ứng viên đảng Cộng hòa chỉ dừng lại ở mức thăm dò đối thủ bởi ông biết rằng mình còn tới hai cơ hội để tạo sự khác biệt", Branaa đánh giá.

Tờ Le Monde dẫn nhận xét của một số chuyên gia phân tích người Mỹ đánh giá về cơ bản bà Clinton đã có màn trình diễn thuyết phục hơn mong đợi của những người ủng hộ, nhưng không loại trừ khả năng ông Trump vẫn thu hút được một lượng cử trị nhất định. Phong cách phát biểu phi hệ thống và tùy hứng từng là yếu tố quyết định đến chiến thắng của ông ở vòng sơ bộ.

Ngoài ra, kết quả bất lợi thực sự trong cuộc tranh luận đầu tiên cũng có thể trở thành cơ hội cho ứng viên đảng Cộng hòa đúc kết được nhiều bài học và kinh nghiệm cho hai cuộc tranh luận tiếp theo.

Branaa viện dẫn cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Mitt Romney và đương kim Tổng thống Barack Obama tại bang Colorado năm 2012 kết thúc với chiến thắng ấn tượng cho ứng viên đảng Cộng hòa Romney. Dư luận thời điểm đó đều cho rằng ông Romney sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

Tuy nhiên, khi không còn đường lùi với màn trình diễn được coi là nghèo nàn trước đó, trong cuộc tranh luận thứ hai Tổng thống Obama đã thể hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược, liên tục chiếm thế thượng phong trong mọi chủ đề. Ông Obama sau đó giữ thế dẫn trước và đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích nhận định, ngoại trừ trường hợp có đột biết, diễn biến các cuộc tranh luận trực tiếp có tác động rất ít đến quan điểm của cử tri cũng như kết quả bầu cử chính thức. Đa số cử tri đã có sự lựa chọn của mình trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11, và loạt ba cuộc tranh luận có lẽ chỉ giúp họ củng cố thêm cho quyết định của mình.

Bình luận Seth Millstein nhận định cuộc tranh luận giữa hai ứng viên không phải là yếu tố mang tính quyết định trong cuộc chạy đua. Bà Clinton và ông Trump sẽ còn phải đối mặt với nhau hai lần nữa trước khi cuộc bầu cử diễn ra, và họ vẫn còn 6 tuần trước mặt để chạy nước rút. Những sự kiện khó lường diễn ra trong 6 tuần đó hoàn toàn có thể thay đổi quỹ đạo của cuộc chạy đua. 

Chuyên đề