Một điều rất quan trọng trong việc công khai thông tin đấu thầu là cần xem xét chất lượng các thông tin đấu thầu được công khai có chính xác, đầy đủ và kịp thời hay không. Ảnh: Lê Tiên |
Thống kê cho thấy, trong quý I/2019, Báo Đấu thầu đã đăng tải 47.170 thông tin đấu thầu, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thông báo mời thầu tăng 24%, kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) tăng 72%, thông báo hủy/gia hạn/đính chính tăng 7%. Năm 2018, Báo Đấu thầu đăng tải hơn 100.000 thông báo mời thầu, hơn 110.000 KQLCNT và hàng nghìn thông tin khác. Tổng số lượng thông tin đấu thầu được đăng tải năm 2018 tăng hơn 20% so với năm 2017.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Báo Đấu thầu cũng cho thấy, nhiều kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) vẫn thường xuyên bị công bố chậm hơn so với quy định. Trên mỗi số Báo Đấu thầu xuất bản hàng ngày đã công khai hàng chục KHLCNT công bố chậm. Bên cạnh đó, việc công khai KQLCNT cũng chưa được nhiều bên mời thầu/chủ đầu tư quan tâm.
Báo Đấu thầu đã có nhiều bài phản ánh tình trạng các chủ đầu tư/bên mời thầu với “căn bệnh” mãn tính - “quên” công khai KQLCNT, dẫn đến hệ lụy là hàng trăm gói thầu đã không được công khai kết quả đúng thời hạn, trong số đó rất nhiều gói thầu đã hoàn thành, quyết toán từ lâu.
Theo ý kiến của chuyên gia và nhà quản lý về đấu thầu, số lượng thông tin đấu thầu được công khai có xu hướng tăng thời gian qua là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các bên mời thầu/chủ đầu tư đã nghiêm túc hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Mặt khác cũng cho thấy hệ thống pháp luật về đấu thầu ngày càng có thêm nhiều chế tài giám sát, xử lý để buộc các bên mời thầu/chủ đầu tư phải đăng tải các thông tin đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng trong việc công khai thông tin đấu thầu là cần xem xét chất lượng các thông tin đấu thầu được công khai có chính xác, đầy đủ và kịp thời hay không, có đảm bảo được mục đích, mục tiêu của việc công khai thông tin đấu thầu hay không.
Qua rà soát việc đăng tải thông tin đấu thầu của một số bên mời thầu, Báo Đấu thầu đã nhận thấy một số dấu hiệu “đối phó” với quy định công khai thông tin đấu thầu. Trong quá trình tự công khai KQLCNT cho các gói thầu, một số bên mời thầu đính kèm thông báo KQLCNT một văn bản không có nội dung, thậm chí là scan một tờ giấy trắng, đính “nhầm” thông tin của 1 gói thầu khác, không công khai danh sách các nhà thầu bị loại…
Chẳng hạn, tại Gói thầu số 03 Xây lắp công trình thuộc Dự án Cầu Đò Mèn nối hai huyện Kiến Xương - Tiền Hải tỉnh Thái Bình (giai đoạn I), khi công khai KQLCNT (giá gói thầu hơn 30 tỷ đồng), Công ty CP Tư vấn đầu tư thiết kế và xây dựng Sông Đà đã đính kèm văn bản Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu số 05/TB-BQLDA. Văn bản này có 2 trang nhưng không hiểu vì lý do gì, các thông tin chính tại trang 1 đã bị che khuất toàn bộ. Điều này dẫn đến việc mặc dù Thông báo số 05/TB-BQLDA được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng không có thông tin về nhà thầu trúng thầu, thông tin về các nhà thầu bị trượt thầu và lý do bị trượt…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, quy định pháp luật hiện nay mặc dù khá đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở để đối tượng bị điều chỉnh tìm cách lách luật, né luật, nhất là trong lĩnh vực “nhạy cảm” như đấu thầu. Việc công khai, minh bạch là những thước đo giá trị cho công tác đấu thầu, cũng là mục tiêu của hệ thống pháp luật đấu thầu hướng tới. Nếu thông tin đấu thầu được công khai một cách minh bạch thì mới tạo điều kiện cho xã hội trong việc giám sát chất lượng của công tác đấu thầu, tạo cơ hội để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, tình trạng “thông thầu”, “quân xanh”, “quân xanh, quân đỏ” vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều địa bàn khác nhau và điều này sẽ chi phối đến chất lượng của việc công khai, minh bạch thông tin đấu thầu, những người có liên quan sẽ tìm cách để đối phó với quy định phải công khai thông tin đấu thầu, không để lộ lọt thông tin về nhà thầu “quen”, nhà thầu “ruột”… chuyên trúng thầu ở một bên mời thầu/chủ đầu tư nào đó.
Theo vị luật sư này, để công tác đấu thầu được lành mạnh hóa, lấy lại niềm tin cho nhà thầu, lòng tin của người dân, xã hội thì nhất thiết thông tin đấu thầu phải được công khai một cách minh bạch và những người có trách nhiệm phải có quyết tâm thực hiện, kênh giám sát khâu thực thi của bên mời thầu/chủ đầu tư phải thường xuyên, liên tục và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện hành vi vi phạm. Có như vậy, việc công khai thông tin đấu thầu mới trở thành thứ vũ khí góp phần bài trừ tham nhũng, giảm thiểu tiêu cực trong đấu thầu.
Còn TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc công khai, minh bạch thông tin đấu thầu là một trong những công cụ để đảm bảo mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Tuy nhiên, để công việc này thực sự phát huy được hiệu quả của nó thì người thực thi cũng phải có trách nhiệm với công việc, đảm bảo cái tâm trong sáng; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng của việc công khai, trách nhiệm của cá nhân/tổ chức trong việc công khai…