Công khai minh bạch và sự phát triển bền vững

(BĐT) - Công khai, minh bạch từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp là cần thiết, không chỉ đối với người dân, khách hàng mà còn giúp chính cơ quan quản lý và doanh nghiệp thuận lợi thực hiện các chính sách một cách hiệu quả.
Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng khiến dư luận xôn xao trong những ngày đầu tháng 6/2017. Ảnh: Nhã Chi
Hàng cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng khiến dư luận xôn xao trong những ngày đầu tháng 6/2017. Ảnh: Nhã Chi

Nói ngay, nói hết, nói thật

Cách đây ít lâu, một công ty tài chính thuộc hàng dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, cho vay cá nhân đã chia sẻ một thông tin không mấy hay ho của doanh nghiệp cho phóng viên. Cụ thể là một nhân viên của công ty đã phối hợp các đối tượng từ bên ngoài sử dụng chứng minh nhân dân và giấy tờ của nhiều người khác để làm hồ sơ vay trả góp. Tổng số tiền xác minh ban đầu lên tới gần chục tỷ đồng. Xin nhớ là các khoản vay tiêu dùng trả góp thường chỉ dao động từ 50 - 70 triệu đồng do quy định hạn chế. Với số tiền ngót chục tỷ đồng, có thể thấy lượng hồ sơ khống là không ít.

Trong khi không ít doanh nghiệp nhờ các báo gỡ các bài thì công ty nói trên lại chủ động “vạch áo cho người xem lưng” thông tin tới phóng viên về một vụ việc khiến cho thương hiệu của công ty bị gắn với những thông tin tiêu cực. Vì sao doanh nghiệp lại sẵn sàng chia sẻ những thông tin mà khi phát tán có thể khiến doanh nghiệp bị rơi vào khủng hoảng truyền thông?

Lãnh đạo doanh nghiệp này đã chia sẻ rằng, trong thế giới hiện nay, việc giấu giếm, che đậy thông tin là rất khó và luôn có nguy cơ “bục, vỡ” ở những chỗ bất ngờ nhất. Khi đó, việc xử lý không khác gì mất bò mới lo làm chuồng. Vì vậy, thay vì che giấu, công ty có quan điểm là công khai rõ ràng, để tránh suy diễn, hiểu lầm. Không chỉ với sự việc này, khi có phàn nàn từ phía khách hàng hoặc có sự cố, công ty luôn cố thông tin nhanh nhất và rõ ràng về sự việc và quan điểm của doanh nghiệp.

Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, kiểm soát nhưng dù vậy không ai có thể bảo đảm các nhân sự tuân thủ các quy định nội bộ cũng như bảo đảm vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, số lượng khách hàng lên tới hàng triệu người, kèm theo đó là hệ thống đại lý rộng khắp với lượng nhân viên khổng lồ. Vì vậy, quản trị nhân sự là thách thức không nhỏ.

Theo đại diện doanh nghiệp này, việc công khai thông tin như vậy không có nghĩa là tiêu cực bởi bản thân công ty cũng muốn gửi tới người dân lời cảnh báo không nên tùy tiện buông bỏ những thông tin, giấy tờ liên quan đến nhân thân. Sự việc không hay nói trên có một phần nguyên nhân do tình trạng nhiều người tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng, nhưng khi quyết định không sử dụng dịch vụ nữa thì đã không thu hồi các bản sao giấy tờ dẫn tới bị kẻ gian lợi dụng. Công khai thông tin với thị trường có lợi cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.

Mặc dù không ít các chương trình đào tạo xử lý khủng hoảng truyền thông đều nhấn mạnh nguyên tắc nói ngay, nói hết, nói thật, nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng hướng tới chính sách truyền thông đối ngoại công khai và minh bạch như vậy. Thực tế thị trường đã ghi nhận những bài học kinh điển như vụ việc con ruồi 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát hay vật thể lạ trong chai Coca... 

Cơ quan quản lý cũng cần công khai

Trong thế giới hiện nay, việc giấu giếm, che đậy thông tin là rất khó và luôn có nguy cơ “bục, vỡ” ở những chỗ bất ngờ nhất. Khi đó, việc xử lý không khác gì mất bò mới lo làm chuồng. Vì vậy, thay vì che giấu, công ty có quan điểm là công khai rõ ràng, để tránh suy diễn, hiểu lầm.
Công khai, trong tiếng Việt nghĩa là “là việc không giữ kín, mà để cho mọi người đều có thể biết”. Minh bạch là “rõ ràng, rành mạch”. Trong hoạt động của bộ máy nhà nước, công khai nghĩa là mọi hoạt động của Nhà nước phải được công bố hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người dân có thể tiếp cận được các quyết định của Nhà nước một cách dễ dàng. Minh bạch nghĩa là phải trong sáng, không khuất tất, không rắc rối, không gây khó cho công dân trong tiếp cận thông tin.

Nhưng công khai, minh bạch thông tin không phải chỉ vì lợi ích của người dân mà đôi khi còn có tác dụng thúc đẩy việc thực hiện chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý.

Ví dụ gần đây nhất là phương án giải tỏa cây xanh để mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng ở Hà Nội. Thông tin Hà Nội định hạ hơn 1.000 cây xanh trong đó phần lớn là cây xà cừ vài chục năm tuổi loang ra trên các tờ báo chính thống cũng như mạng xã hội vào đúng thời điểm nắng nóng lịch sử trong suốt mấy chục năm qua. Điều này dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của dư luận.

Sau đó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã mời các cơ quan chức năng của UBND TP. Hà Nội tham dự hội nghị giao ban báo chí hàng tuần để chia sẻ thông tin. Đến lúc này, các cơ quan thông tấn mới có cơ hội tiếp cận những thông tin chính thức và đầy đủ về dự án nói trên cũng như về vấn đề giải tỏa. Các phóng viên cũng có cơ hội đặt câu hỏi và nhận được câu trả lời từ lãnh đạo các cơ quan có liên quan để đem tới cho công chúng những thông tin xác thực thay vì những đồn đoán, những câu hỏi bức xúc từ dư luận trên mạng Internet.

Mặc dù những thông tin chính thức phần nào giúp hạ nhiệt câu chuyện chặt hạ cây xanh nhưng vẫn còn đó những câu hỏi mà thực chất là những ý kiến đóng góp “nói nhỏ” với các cơ quan quản lý. Rằng trước khi thông tin về việc chặt hạ cây xanh lan ra, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức cuộc hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về phương án giải tỏa cây xanh. Câu hỏi đặt ra là vì sao Sở Xây dựng Hà Nội không rộng cửa với báo chí để các nhà báo có thể tham dự, đưa tin và phỏng vấn các chuyên gia ngay tại hội thảo?

Nếu như vậy, ngay từ đầu, các cơ quan báo chí đã có thông tin đầy đủ, chính thống để định hướng dư luận, giúp người dân hiểu được vì sao phải giải tỏa cây xanh, Hà Nội sẽ có phương án trồng thay thế như thế nào, số gỗ thu được sẽ được bán đấu giá tại đâu... Như vậy, người dân có cái nhìn toàn diện hơn. Và đây cũng là quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được quy định trong Hiến pháp.

Không chỉ Hà Nội, ở nhiều địa phương, cơ quan bộ, ngành khác đã từng xảy ra các vụ việc khiến dư luận bức xúc. Sự việc đôi khi có sai, có đúng, có chỗ đã hợp lý, có chỗ cần phải thay đổi chứ chưa hẳn mọi vụ việc khiến dư luận bức xúc đều là “hỏng bét”. Thế nhưng chính vì thiếu thông tin hoặc là không thông tin, né tránh báo chí khiến cho dư luận thấy “có vấn đề”.

Ngay như vụ việc xe công thanh lý với giá bình quân hơn 46 triệu đồng/chiếc. Sau đó, Bộ Tài Chính phải chính thức lên tiếng khẳng định đây là thông tin ban đầu, chưa đầy đủ. Trong số hơn 1.100 xe công thanh lý nhiều xe sử dụng nhiều năm, phải phá dỡ hoặc làm mô hình học cụ; nhiều xe quá thời hạn... Việc thanh lý xe đều  tuân thủ quy định về bán đấu giá tài sản.

Đặc biệt với các thủ tục hành chính, việc công khai, minh bạch giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công, giảm bớt chi phí để thực hiện các thủ tục, các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Chuyên đề