Cần đẩy mạnh khâu lựa chọn, thẩm định và sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội dự tính của dự án. Ảnh: Lê Tiên |
Tránh lựa chọn dự án đầu tư theo cảm tính
Thể chế quản lý dự án đầu tư công mang tính liên ngành, toàn diện. Do đó, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công không chỉ là trách nhiệm của riêng một đạo luật, hay riêng một bộ ngành nào, mà liên quan đến chu trình quản lý với các bên tham gia đầu tư công.
Theo Khung đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của các quốc gia được đánh giá theo 3 nhóm tiêu chí (mức độ bền vững của kế hoạch đầu tư công; bảo đảm đầu tư công được phân bổ vào đúng ngành và dự án; cung cấp tài sản công bền vững và hiệu quả) với 15 chỉ tiêu cụ thể.
15 chỉ tiêu này bao gồm chỉ tiêu về tài khóa, chiến lược ngành, chiến lược quốc gia cho đến sự tuân thủ các dòng vốn đầu tư công đảm bảo định hướng tái cơ cấu kinh tế cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Tiếp đó là chỉ tiêu về sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc đưa ra các danh mục dự án, chủ trương đầu tư; sắp xếp ưu tiên dự án… và cuối cùng là quản lý, đánh giá dự án sau đầu tư. Tất cả các “bước” này liên quan với nhau. Vì thế, để cải thiện một “bước” trong chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công thì phải nâng cao toàn bộ chất lượng của chuỗi.
Theo Khung đánh giá của IMF, hiện điểm trung bình của Việt Nam chỉ đạt 0,7 điểm trên thang điểm từ 0 - 2 điểm, thuộc mức thấp so với các nước đang phát triển.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải cải thiện chất lượng của 15 bước, tạo tính cộng hưởng nâng cao hiệu quả dự án. Trong 15 bước này, có 2 bước quan trọng, đó là lựa chọn thẩm định và sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư công dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội dự tính của dự án. Tức là, phải so sánh được các dự án khác nhau thuộc các ngành khác nhau để thấy được hiệu quả và chọn ra được dự án tốt để đầu tư. Thế nhưng, hai bước này trong thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam chưa mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lựa chọn dự án đầu tư lâu nay thường dựa trên cảm tính hơn là tiêu chí đánh giá định lượng.
“Do đó, khi một dự án đầu tư công được thực hiện xong thì chưa đủ căn cứ đánh giá xem dự án đó có đáp ứng được mục tiêu ban đầu hay không và có đảm bảo các mục tiêu kinh tế, xã hội trên đồng vốn đầu tư hay không”, ông Thắng nhận xét.
3 nguyên tắc xây dựng bộ tiêu chí
Theo cơ quan nghiên cứu xây dựng đề án về tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án sau đầu tư, việc xây dựng tiêu chí sẽ tuân thủ 3 nguyên tắc chính. Đầu tiên là tuân thủ thông lệ quốc tế tốt. Bởi lẽ, hiện nay quản lý đầu tư công nói chung và lựa chọn đánh giá dự án đầu tư công không phải là việc của riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng thực hiện. Hơn nữa, tính chất đặc thù các dự án đầu tư công của Việt Nam cũng không có gì khác biệt quá lớn so với thế giới, đều là đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông…
Tiếp đó là nguyên tắc xây dựng các tiêu chí đánh giá dựa trên thực tiễn ở Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang thiếu cơ sở dữ liệu, cơ sở về kiến thức, nguồn nhân lực tham gia trong quá trình quản lý dự án đầu tư công.
Nguyên tắc thứ ba là dựa vào khung khổ pháp lý đã có. Ông Thắng cho biết, hiện trong Luật Đầu tư công đã có những quy định về đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công. Đặc biệt là quy định đánh giá thứ tự ưu tiên của dự án, khi đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, phải đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội. “Do đó, việc xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án sau đầu tư cũng chỉ là một giải pháp cụ thể thực hiện quy định của Luật”, ông Thắng giải thích thêm.
Cũng theo cơ quan xây dựng đề án, việc xây dựng đề án này sẽ không đơn giản chỉ là bộ tiêu chí, mà còn là phương pháp luận, cách thức mới về việc lập, thẩm định và ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công dựa trên nền tảng các dự án đầu tư công phải được đánh giá dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội đối với toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ người dân chứ không chỉ đánh giá về mặt tài chính, nhóm người…
Dự kiến, các nhóm chỉ tiêu chính của Bộ tiêu chí sẽ bao gồm: Nhóm chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; Nhóm chỉ tiêu về tính bền vững và chống chịu rủi ro; Nhóm chỉ tiêu đảm bảo cân bằng giữa các vùng miền, ủng hộ nhóm người yếu thế. Định hướng chung vẫn là tuân thủ theo chiến lược phát triển, cơ cấu nền kinh tế và theo quy hoạch có liên quan…