2,45 triệu cổ phần của Công ty CP Thuận An sẽ được đấu giá với giá khởi điểm chỉ vỏn vẹn 2.100 đồng/CP. Ảnh: Lê Tiên |
Hoạt động kinh doanh thua lỗ
Công ty CP Thuận An có trụ sở tại Thừa Thiên Huế, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Thuận An được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch. Sau nhiều lần tăng vốn, và cùng với việc năm 2014, một Ngân hàng đã chuyển một phần khoản vay và lãi vay thành vốn góp với tổng số tiền là 100 tỷ đồng (hoán đổi 8.000 đồng/CP) và trở thành cổ đông lớn nhất, vốn điều lệ Thuận An đã tăng lên 207 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, doanh thu của Thuận An chỉ đạt 20,8 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2015; giá vốn hàng bán lên đến 23,5 tỷ đồng (gần như không đổi so với năm 2015). Điều này đã làm cho lợi nhuận gộp của Công ty âm 2,7 tỷ đồng, trong khi năm 2015 con số này là âm 0,66 tỷ đồng.
Trong khi hoạt động kinh doanh chính không mang lại lợi nhuận thì Công ty còn phải chịu khoản chi phí tài chính 11,3 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2015. Chiếm phần lớn chi phí tài chính của Công ty là lãi vay.
Cả năm 2016, Thuận An lỗ 18,8 tỷ đồng và năm 2015 lỗ 20,7 tỷ đồng. Mặc dù không công bố báo cáo tài chính các năm trước nhưng dễ dàng nhận thấy, Công ty đã thua lỗ nhiều năm khi lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2016 là 143 tỷ đồng.
Thực tế con số lỗ lũy kế của Công ty còn phải tăng thêm 21 tỷ đồng do hạch toán sai quy định của Chuẩn mực kế toán số 16. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC đưa ra ý kiến: “Chi phí lãi vay phát sinh năm 2013 và các năm trở về trước (số dư tại ngày 31/12/2016 là hơn 21 tỷ đồng), Công ty chưa ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh các năm tương ứng mà hiện đang phản ánh tại khoản mục “chi phí trả trước dài hạn”. Việc hoạch toán chi phí lãi vay như vậy là không đúng quy định của Chuẩn mực kế toán số 16 “Chi phí đi vay”. Nếu hạch toán theo quy định hiện hành thì chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ tăng thêm con số tương ứng là âm hơn 21 tỷ đồng”.
Khó khăn về tài chính
Tại thời điểm 31/12/2016, tổng nợ ngắn hạn của Thuận An là 60 tỷ đồng, tổng tài sản ngắn hạn là 4,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy Công ty đang trong trạng thái tài chính tiêu cực, khó có khả năng trả nợ khi đáo hạn. Ngoài ra, khả năng trả nợ gốc và lãi vay của Công ty là rất thấp.
Cũng liên quan đến khoản nợ của Thuận An, Kiểm toán AAC đưa thêm ý kiến, tại ngày 31/12/2016 gốc vay hơn 141 tỷ đồng và nợ lãi vay 26 tỷ đồng của một Ngân hàng - Chi nhánh Huế chưa được đối chiếu xác nhận. Ngoài ra, Công ty chưa thực hiện kết chuyển các khoản vay dài hạn đến hạn trả trong năm 2017 của Ngân hàng này sang khoản mục “Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn” mà vẫn đang trình bày tại khoản mục “Vay và nợ thuê tài chính dài hạn”. Với tài liệu hiện có của Công ty, chúng tôi không thể xác nhận được số nợ gốc vay cần chuyển. Do đó, chúng tôi không đưa ra ý kiến về tính đúng đắn và tính trình bày của khoản nợ gốc và nợ lãi vay nêu trên tại ngày kết thúc niên độ kế toán cũng như tính đúng đắn của chi phí lãi vay hơn 10 tỷ đồng đã ghi nhận trong kết quả kinh doanh năm 2016.
Kiểm toán viên AAC cũng nhấn mạnh, khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai và/hoặc sự hỗ trợ tài chính từ chủ sở hữu để đảm bảo cho Công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.
Ngoài các chủ đầu tư đang thua lỗ khi đầu tư tiền vào Thuận An, một Ngân hàng cũng đang mắc kẹt với công ty này. Ngân hàng này là chủ nợ chính của Thuận An với khoản cho vay hơn 144 tỷ đồng. Tài sản thế chấp khoản vay này là toàn bộ tài sản hình thành trên đất của Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển Thuận An và 3 xe ô tô.