Có nên nới hạn mức tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, diễn biến tỷ giá USD/VND bớt căng thẳng, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cân nhắc nới hạn mức (room) tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế. Trong khi đó, một số quan điểm cho rằng không nên chạy theo nhu cầu thị trường bởi có thể gây rủi ro với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tính nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ.
Có ý kiến cho rằng, NHNN nên cân nhắc nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Có ý kiến cho rằng, NHNN nên cân nhắc nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đánh giá về thị trường tiền tệ nửa đầu tháng 8/2022, nhiều tổ chức nghiên cứu cho rằng, NHNN điều hành chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm cân bằng các yếu tố lạm phát, tỷ giá và lãi suất.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt nhờ giá xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép giảm, diễn biến tỷ giá dần ổn định với chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết thu hẹp. Đồng USD dự kiến sẽ không có nhiều biến động mạnh và NHNN vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối, do vậy đây có thể là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) dù mức tăng không mạnh và có sự khác biệt giữa các ngân hàng.

Từ phía cơ quan điều hành, NHNN khẳng định quan điểm thận trọng với việc nới hạn mức tín dụng cho các NHTM. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cần xác định mức tăng trưởng tín dụng hợp lý để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng, “Thời gian tới NHNN sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng còn lại trong tổng mức dự kiến 14% của cả năm. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), với đặc thù nền kinh tế dựa nhiều vào nguồn vốn tín dụng và từng xảy ra tình trạng cung tín dụng quá lớn dẫn đến lạm phát tăng vọt, nợ xấu cao nên cơ quan điều hành lựa chọn việc điều tiết hạn mức tín dụng để kiểm soát lạm phát. Ở thời điểm này cũng vậy, cơ quan điều hành tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm soát lạm phát bằng việc hạn chế cung tiền thông qua tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Ông Minh cho rằng, cách thức điều hành này có thể gây khó cho các NHTM và doanh nghiệp muốn tiếp cận vốn tín dụng ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đây là giải pháp được lựa chọn dựa trên cơ sở xem xét các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt với đánh giá hệ thống tổ chức tín dụng vẫn còn hạn chế về khả năng kiểm soát, giám sát nguồn vốn tín dụng.

“Từ đầu năm, các ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng và tính toán các chỉ tiêu kinh doanh cả năm dựa trên mức được cấp. NHNN cũng có các tín hiệu điều hành khá rõ rệt về việc hạn chế nới hạn mức tín dụng nên việc này không có gì bất ngờ. Các thành viên thị trường sẽ vận động theo sự điều hành như vậy, cùng hướng tới mục tiêu chung là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô”, ông Minh nói.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, với hạn mức tăng trưởng cả năm 14%, đến nay các ngân hàng đã dùng hết khoảng 9%, vẫn còn 4 - 5% để điều tiết nguồn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với mục tiêu của nền kinh tế trong hơn 4 tháng cuối năm. Nếu nới room tín dụng quá mức, các tổ chức kinh tế có thể tăng cường vay nợ và vay vượt mức cần thiết, từ đó dẫn đến lạm phát và áp lực trả nợ cũng sẽ lớn hơn, rủi ro về nợ xấu theo đó mà tăng lên.

“Điều hành chính sách tiền tệ có vai trò hỗ trợ tăng trưởng song cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là kiềm chế lạm phát, vì thế, cơ quan quản lý phải cân bằng giữa các mục tiêu. Hay nói cách khác, không thể chạy theo nhu cầu của thị trường về vốn tín dụng bởi có thể gây khó cho điều hành vĩ mô. Trong khi tại thời điểm này, ổn định vĩ mô là rất quan trọng”, ông Độ nói.

Chuyên đề