TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) |
Xin bà chia sẻ dự cảm về khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2024 và xa hơn, nhất là sau cơn bão Yagi?
Những tháng cuối năm 2024 đặt ra nhiều thách thức đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều biến động khó lường. Từ bên ngoài, triển vọng tăng trưởng toàn cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, biến đổi khí hậu và các điều kiện thời tiết cực đoan, gia tăng các quy định về phát triển bền vững có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu…
Tại Việt Nam, bão số 3 (siêu bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, nếu sớm ổn định đời sống của người dân, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương chịu ảnh hưởng, đồng thời đẩy nhanh việc khai thác các động lực tăng trưởng (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công) thì có thể giảm thiểu được tác động của cơn bão đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào các động lực và cơ hội đang có. Thứ nhất, kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn. Đánh giá cập nhật của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Fitch, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… đều cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể cải thiện so với các dự báo trước đó. Đánh giá mô hình của CIEM cho thấy, mỗi điểm % tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể làm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 3,9%.
Thứ hai, cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Tính đến 30/9/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng tới 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ ba, dư địa để khai thác hiệu quả đầu tư công là rất tích cực. Nếu sớm khơi thông được nguồn vốn quan trọng này ở những lĩnh vực có thể tạo nhiều tác động lan tỏa (như các dự án liên kết vùng, chuyển đổi số…) thì tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và các địa phương nói riêng có thể được cải thiện…
Trong bối cảnh môi trường quốc tế nhiều biến động, bà nhìn nhận thuận lợi và thách thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam như thế nào?
Kinh tế thế giới và khu vực từ đầu năm 2024 cho thấy những diễn biến thuận lợi đan xen với các vấn đề khó khăn, thách thức. Trong tháng 9, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm lãi suất và để ngỏ khả năng tiếp tục giảm trong giai đoạn cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực về tỷ giá VND/USD, giảm sức ép lên lãi suất và góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Mới đây nhất, thông tin về việc Liên minh châu Âu đề nghị hoãn thi hành Quy định về phá rừng (EUDR) có thể tạo thêm hy vọng tích cực cho một số nhóm mặt hàng xuất khẩu liên quan của Việt Nam. DN xuất khẩu vẫn đứng trước những thách thức, rủi ro do những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Các căng thẳng về chính trị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại - đầu tư toàn cầu.
Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, qua đó tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Việc khôi phục lại Nghị quyết 02 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc “làm mới” động lực và tinh thần cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ở một khía cạnh khác, Chính phủ đã không ngừng triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, qua đó tạo thêm cơ hội cho DN phát triển. Việc khôi phục lại Nghị quyết 02 cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc “làm mới” động lực và tinh thần cải cách đối với môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, mặt bằng lạm phát tương đối ổn định, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong khi đó, đánh giá của chúng tôi cho thấy mức độ biến động của tỷ giá VND/USD thấp hơn nhiều so với mức độ biến động của chỉ số giá USD trên thị trường thế giới. Như vậy, DN hoạt động ở Việt Nam có thuận lợi đáng kể từ mức độ ổn định tương đối của tỷ giá VND/USD, qua đó giúp DN hoạch định các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Đâu là những ưu tiên mà DN, doanh nhân Việt Nam nên lựa chọn để tăng sức bền và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, thưa bà?
Để tăng sức bền và khả năng cạnh tranh, DN Việt Nam cần lưu ý một số định hướng. Thứ nhất, chủ động tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Thứ hai, chủ động tìm hiểu, tham vấn các cơ quan chức năng để xác định xu hướng tiêu dùng, các yêu cầu của các thị trường đối tác để kịp thời thích ứng với bối cảnh quốc tế nhiều biến động. Trong đó, cần chú ý tới việc các đối tác chính của Việt Nam đang dần nâng cao yêu cầu đối với sản phẩm. Chẳng hạn, EU đưa ra Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), yêu cầu về quy định trách nhiệm thẩm định giải trình rất phức tạp. Thứ ba, bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị đặt ra bài toán cho DN là cần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững hơn, tăng cường sức thích ứng trong bối cảnh không ít bất định.
Một trong những mục tiêu của Việt Nam là năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN tăng trưởng chất lượng. Bà có khuyến nghị gì về giải pháp để đạt mục tiêu này?
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, cả nước hiện có khoảng 940.000 DN đang kinh doanh, còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu 2 triệu DN. Đó là chưa kể những cân nhắc về chất lượng của DN, khi hầu hết DN Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hạn chế về trình độ khoa học - công nghệ, khả năng quản trị rủi ro cũng như mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.
Theo tôi, để đạt mục tiêu 2 triệu DN chất lượng vào năm 2030, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp để khơi dậy và cổ vũ tinh thần doanh nhân, để các doanh nhân “muốn lớn, dám lớn, và có thể chơi lớn”. Thứ nhất, cần tiếp tục tháo bỏ rào cản, tạo môi trường thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng cường niềm tin cho DN và doanh nhân. Thứ hai, gia tăng định hướng cho DN chủ động, tích cực đổi mới sáng tạo, hướng tới tư duy phục vụ thị trường. Theo đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi, hướng nhiều hơn đến phát triển bền vững cần được nhìn nhận như một cơ hội cho DN thay đổi và “vượt lên”. Thứ ba, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, có các cơ chế, chính sách thuận lợi để DN tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng do các DN có vốn đầu tư nước ngoài dẫn dắt. Thứ tư, cải thiện nguồn vốn con người là chìa khóa căn bản để cải thiện năng suất và tiềm năng tăng trưởng của DN.
Để góp sức xây dựng cộng đồng DN Việt Nam tăng trưởng chất lượng, CIEM phát huy quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, đưa thể chế trở thành “nguồn lực” cho nền kinh tế. Viện thường xuyên thảo luận với cộng đồng DN và các hiệp hội về những giải pháp môi trường kinh doanh, hỗ trợ hoạt động của DN. Trên cơ sở đó, xây dựng các báo cáo, tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Chính phủ những giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động...