Các nhà đầu tư có thể khởi kiện doanh nghiệp trì hoãn quá lâu việc chi trả cổ tức. Ảnh: Nhã Chi |
Điệp khúc xin gia hạn
Đã sắp kết thúc năm 2015, nhưng đến thời điểm này, sau hơn 4 năm ròng rã, các cổ đông của Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex (VCR) vẫn ngóng chờ cổ tức của năm 2010. Sự thất vọng càng lớn hơn khi VCR vừa tiếp tục thông báo thay đổi thời gian chi trả cổ tức năm 2010 sang ngày 31/3/2016. Đây là lần thứ 4 VCR điều chỉnh thời gian chi trả cổ tức năm 2010. Nguyên nhân sự chậm trễ này được VCR lý giải là do thị trường bất động sản đóng băng trong suốt thời gian dài, dẫn đến việc kinh doanh gặp khó khăn, không đạt kỳ vọng đề ra nên Công ty chưa có nguồn để trả cổ tức.
Tương tự, Công ty CP Kỹ thuật điện Sông Đà (SDE) cũng dời thời điểm chia cổ tức năm 2011 và năm 2012 đến tận cuối năm 2015. Trước đó, trong suốt năm 2014, SDE đã liên tục thay đổi thời gian chi trả cũng với lý do việc thu hồi vốn chưa đạt kế hoạch. Đây là lần thứ 6 công ty này gia hạn ngày thanh toán cổ tức.
Vài năm gần đây, đã xuất hiện khá nhiều tình trạng các doanh nghiệp chây ì chi trả cổ tức cho cổ đông, thường xuyên xin “khất nợ” khiến cho các cổ đông không khỏi bức xúc.
Cũng với điệp khúc “khất nợ”, xin gia hạn chi cổ tức, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) đã từng thông báo trả rồi lại hoãn tới 10 lần. Cụ thể, từ tháng 7/2012, SMA bắt đầu thông báo trả cổ tức năm 2011 tỷ lệ 14%, nhưng từ đó liên tục trì hoãn, cổ đông của công ty này sau đó chỉ nhận được 2%. Còn lại 12%, SMA xin khất đi khất lại tới 10 lần, và phải đến giữa năm 2015 mới trả xong.
Trước đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nhiều lần có công văn nhắc nhở SMA nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi. Lý giải cho việc chậm trễ trong chi trả cổ tức được đại diện SMA đưa ra là do trong 3 năm từ 2009 - 2011, Công ty đầu tư nhà máy thủy điện bị vượt dự toán do lạm phát phi mã, kết hợp với suy thoái kinh tế kéo dài, thị trường chứng khoán suy giảm nên bị thiếu vốn, từ đó dẫn tới nợ cổ tức kéo dài.
Áp dụng biện pháp mạnh nếu chây ì
Vài năm gần đây, đã xuất hiện khá nhiều tình trạng các doanh nghiệp chây ì chi trả cổ tức cho cổ đông, thường xuyên xin “khất nợ” khiến cho các cổ đông không khỏi bức xúc.
Trên thực tế, những quy định mới về việc trả cổ tức đã được đưa vào Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 132) với quy định, kể từ ngày 1/7/2015, cổ tức sẽ phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội cổ đông thường niên; Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức. Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư chứng khoán, tình trạng doanh nghiệp chây ì trả cổ tức vẫn còn khá phổ biến.
Khi giải thích về việc không chia cổ tức đúng hạn, lãnh đạo một số doanh nghiệp thường đưa ra lý do nền kinh tế mới chỉ ở trong giai đoạn đầu của sự hồi phục, doanh nghiệp vẫn cần vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, giải thích này là không thực sự thuyết phục bởi tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp vẫn còn đang dè chừng với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh để nghe ngóng phản hồi của thị trường sau một khoảng thời gian dài nhiều biến động. Đa số doanh nghiệp không dám đặt kế hoạch cao vì sợ phải chạy theo mục tiêu và có thể dẫn tới kịch bản đầu tư sai lầm, gây thua lỗ hoặc mất vốn.
Đưa ra biện pháp mạnh giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư có thể khởi kiện khi công ty trì hoãn quá lâu việc chi trả cổ tức. Bởi theo luật nước ngoài, cổ tức là một khoản nợ của cổ đông. Trừ trường hợp bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, còn lại nếu công ty không trả thì có thể bị khởi kiện.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, cổ đông chỉ có thể thông cảm khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong ngắn hạn và lùi ngày trả cổ tức 1 - 2 lần. Nhưng nếu cứ hứa quá nhiều lần từ năm này qua năm khác thì có thể cho rằng đó là hình thức lừa đảo. Vì cũng có những trường hợp doanh nghiệp thông báo chia cổ tức cao để đẩy giá cổ phiếu tăng lên nhằm thu lợi cá nhân.
Một trong những giải pháp khác cải thiện tình trạng chây ì chi trả cổ tức, theo các chuyên gia là cải thiện chất lượng quản trị công ty tại doanh nghiệp đại chúng, đặc biệt là thúc doanh nghiệp phải nâng cao ý thức trách nhiệm với cổ đông. Đây cũng là cách làm đang được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mới đây, một doanh nghiệp niêm yết đã công bố chấp nhận phương án trả lãi bằng lãi vay ngắn hạn kể từ ngày phải trả đến ngày thực trả cổ tức.