Cơ chế đặc thù không phải tập trung vào việc phân chia ngân sách, mà cần hướng tới đề xuất quản trị theo hướng độc lập hơn để tạo sự bứt phá cho địa phương |
Phân tích của các chuyên gia sẽ cho thấy khả năng Việt Nam học hỏi được điều gì từ các mô hình đặc khu kinh tế, cực tăng trưởng, liên kết vùng,… đã thành công trên thế giới.
Cơ chế đặc thù cho “đầu tàu” kinh tế là cần thiết
Nói về việc phát triển các “đầu tàu kinh tế”, trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là chủ trương lớn, đúng đắn. Tuy nhiên, việc phát triển các “đầu tàu” kinh tế thời gian qua còn nhiều bất cập, mà điển hình là tình trạng “ông nào biết ông ấy”, dẫn đến liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Phong, nhiều tỉnh, thành phố được xác định là “đầu tàu”, nhưng đang nghiêng về đòi “ăn chia” tỷ lệ thu - chi ngân sách nhà nước nhiều, mà chưa chú ý tập trung điều chỉnh cơ cấu bên trong.
“Tôi cho rằng việc phát triển của các “đầu tàu” kinh tế thì cần thiết phải có những cơ chế đặc thù. Nhưng cơ chế này không phải tập trung vào việc phân chia ngân sách, mà cần phải hướng tới đề xuất những cơ chế quản trị theo hướng độc lập hơn, đặc thù hơn để tạo nên sự bứt phá của địa phương đó”, ông Phong nói.
TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cũng đồng tình cho rằng, để phát triển các đầu tàu kinh tế thì việc có các cơ chế đặc thù là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xin cơ chế đặc thù thì là đặc thù vấn đề gì?
“Tôi cho rằng xin cơ chế chính sách, cơ chế quản trị là quan trọng nhất, chứ không phải là xin tiền. Trước khi xin cơ chế, hãy tìm hiểu xem quản trị đô thị các nước hiện đại trên thế giới theo cách gì, đường hướng ra sao? Trên cơ sở đó vận dụng vào địa phương mình rồi có những đề xuất khả thi...”, ông Lược nói.
Theo ông Lược, rõ ràng đặc thù thì không thể nào giống nhau. Bởi nếu địa phương nào cũng xin cơ chế đặc thù như nhau thì không còn là đặc thù nữa.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello cho biết, vừa qua có một số tỉnh thành phản ứng khi bị cắt giảm ngân sách.
“Sâu xa của vấn đề này bắt nguồn từ việc Luật Ngân sách nhà nước hiện nay không cho phép các địa phương được chủ động nguồn thu chi. Theo tôi, để thúc đẩy phát triển kinh tế thì việc để các địa phương chủ động hơn trong vấn đề tiền bạc, ngân sách là rất quan trọng”, ông Minh nói.
Việt Nam học được gì từ thế giới?
Chia sẻ về câu chuyện phát triển kinh tế có trọng điểm trên thế giới, chuyên gia Võ Đại Lược cho biết, các nước trên thế giới hiện nay thường quy hoạch các cực tăng trưởng theo hướng chùm đô thị. Theo đó, các địa phương trong chùm này có sự kết nối với nhau trong vòng đường kính 100km. Và như vậy, bất kể một người dân nào trong chùm đô thị này cũng có thể đi lại, làm việc ở những nơi cách nhau cả 100km bằng hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Ở Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng điều này đối với “tam giác” Hà Nội - Nam Định - Hải Phòng. Ở Hà Nội, người dân có thể đi làm kiểu “sáng đi tối về” ở Hải Phòng, Nam Định hay ngược lại. “Tam giác” này tập trung phát triển cơ sở dịch vụ, công nghiệp, trong đó mạnh nhất là “cực” Hà Nội, rồi từ đó tạo sức lan toả ra toàn bộ vùng Bắc Bộ.
Để tạo ra được “tam giác” tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định thì cần phải làm tốt vấn đề quy hoạch và giao thông. Giao thông ở đây là đường sắt tốc độ cao cỡ 250km/h. Thế giới họ ưu tiên phát triển đường sắt chứ không phải đường bộ cao tốc, bởi chi phí cho đường bộ cao tốc đắt hơn.
Tương tự như vậy, ở miền Nam là tuyến phát triển TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở miền Trung thì Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) là nơi có triển vọng với lợi thế về địa kinh tế, nơi này vừa qua cũng được Bộ Chính trị xác định là một trong 3 đặc khu kinh tế.
Còn theo TS. Lương Văn Khôi, Trưởng Ban kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một địa phương khi muốn vươn lên trở thành “đầu tàu kinh tế” thực sự thì điều quan trọng là phải quyết định chọn các chương trình trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế của mình, khai thác được thế mạnh của mình, có sức lan tỏa lớn và có khả năng kết nối với các địa phương khác và với thế giới.
Ông Khôi cho biết, nhiều lựa chọn đang được nhiều khu vực, vùng, bang của một số nước châu Âu như Bỉ, Đức, Hà Lan… sử dụng ngày nay. Họ thực hiện đồng loạt các chương trình để phát triển kinh tế địa phương, trong đó trọng tâm vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp. “Coi doanh nghiệp là nhân tố quan trọng, xuyên suốt, các địa phương này chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng cứng và mềm, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành (cụm liên kết ngành), vườn ươm doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư hướng nội, thu hút các doanh nghiệp từ các địa phương khác trong toàn quốc hoặc từ các quốc gia...”, ông Khôi nói.
Còn theo TS. Đinh Tuấn Minh, rất nhiều nước phát triển theo hướng đặc khu kinh tế. Ở Việt Nam cũng đang xúc tiến mô hình này ở Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Mô hình 3 đơn vị này được Nhà nước cho phép xây dựng Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Mỗi nơi cũng được tự lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.
“Các quốc gia đã làm như vậy rất nhiều. Năm 2003, Hàn Quốc hình thành 3 khu kinh tế tự do đầu tiên của Hàn Quốc là Incheon, Busan - Jinhae và Gwangyang. Sau 5 năm từ khi hình thành khu kinh tế đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc quyết định thành lập thêm 3 khu kinh tế tự do mới là Yellow Sea, Saemangeum - Gunsan và Daegu - Gyeongbuk. Ở Trung Quốc có Đặc khu kinh tế Thâm Quyến…”, ông Minh nói.
Ở một góc nhìn khác, GS. Hà Tôn Vinh lại cho rằng, việc xây dựng các cụm kinh tế (clusters), hay các cụm công trình kinh tế, sản xuất, thương mại thường có hiệu quả rất cao và dễ hình thành hơn việc xây dựng và hình thành một vùng hay địa phương làm đầu tàu kinh tế vì sự khác biệt và thế mạnh khác nhau của các địa phương quá rõ rệt.
Giáo sư Vinh phân tích: Trong một vùng, một tỉnh hay một địa phương nếu lôi kéo được nhiều doanh nghiệp vào chung một mô hình kinh tế, sản xuất, hay dịch vụ nào đó thì sức lan tỏa sẽ mạnh hơn và sự thành công sẽ cao hơn cho toàn vùng hay cho các doanh nghiệp thành viên.
“Thung lũng Silicon ở San Jose, California, là một mô hình “cụm kinh tế và chuyên môn” rất thành công, có sức lan tỏa trên toàn thế giới. Đừng nghĩ đầu tàu kinh tế phải là đầu tàu của mọi thứ hay mọi ngành”, Giáo sư Vinh nói.
“Khả năng cộng sinh, thời gian hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau lâu dài, khả năng thành công trong việc hình thành và phát triển các cụm kinh tế sản xuất sẽ xác định đâu sẽ là đầu tàu kinh tế bền vững có thể tạo động lực và có sức lan tỏa mong muốn”, Giáo sư Vinh nhấn mạnh.