CIEM: Lưu tâm tới các cải cách đủ chất lượng cho phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 vừa bắt đầu với không ít dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam tiếp tục được đưa ra. Mới đây nhất, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 5,98% và 6,46%. CIEM khuyến nghị, Covid-19 là một lời "cảnh tỉnh" quan trọng để Việt Nam lưu tâm hơn tới các cải cách đủ chất lượng cho phát triển bền vững.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Sự lạc quan bao trùm kinh tế 2021

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững” do CIEM vừa tổ chức, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhận định, dù bối cảnh thế giới và đại dịch Covid-19 còn nhiều bất định, những thành tựu và kinh nghiệm quan trọng trong năm 2020 giúp Việt Nam bước vào năm 2021 với khá nhiều sự lạc quan.

CIEM đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98% theo kịch bản 1, và 6,46% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%. Kịch bản được dự đoán nhiều khả năng xảy ra hơn là tăng trưởng khoảng 6%.

Ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, các kịch bản tăng trưởng này sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố rủi ro từ thế giới như: khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam; rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác (Mỹ và EU có thể phục hồi chậm hơn so với Trung Quốc); xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước khác ở châu Á trong bối cảnh Covid-19; gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu.

Ở trong nước, khả năng duy trì các cải cách thực chất đối với môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài; nhu cầu tiêu dùng trong nước có thể gia tăng nhanh hơn, và doanh nghiệp có thể tập trung hơn đến khai thác thị trường trong nước…

Và dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ... không chỉ ở thị trường Mỹ.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) đều có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam. Hai tổ chức này đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt mức 6,5 - 6,8%, tức là cao hơn cả mục tiêu mà Quốc hội đã quyết nghị (6,0%).

Tại Hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề "Việt Nam 2021 - Thời cơ trong nguy khó", các chuyên gia của trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn ở mức 6%, và đây sẽ là năm bản lề mà kinh tế Việt Nam tận dụng thời cơ trong nguy khó để hướng đến phát triển mạnh mẽ trong 2 năm tới, khi thế giới hồi phục.

Báo cáo Vietnam at a glance - Tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt, khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC thậm chí còn lạc quan hơn nhiều với dự báo kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%.

Không chủ quan, tự mãn, phải nỗ lực cải cách thực sự

Trong bối cảnh lạc quan bao trùm trong những dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021, chuyên gia của CIEM nhấn mạnh thông điệp, bên cạnh việc xử lý các vấn đề ngắn hạn ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các cải cách sâu rộng hơn về nền tảng kinh tế vĩ mô, hệ thống pháp lý nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất - kinh doanh gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro - đặc biệt gắn với Covid-19 - trong bối cảnh "bình thường mới". Các nỗ lực này không tách rời, mà là một phần tiên quyết ngay trong kế hoạch phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Đánh giá về kịch bản tăng trưởng GDP mới nhất của CIEM, TS. Võ Trí Thành cho biết, Chính phủ dù lạc quan nhưng vẫn thận trọng trong việc đánh giá khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Dự báo của CIEM là một trong những dự báo khá thận trọng sau những dự báo về tăng trưởng GDP năm 2020 tương đối chính xác.

Tuy nhiên, theo TS. Võ Trí Thành, con số tăng trưởng thực sự không quan trọng mà điều ông quan tâm là đằng sau con số tăng trưởng này có những thay đổi thực sự nào của nền kinh tế để thích ứng với xu thế mới, để quản trị những rủi ro và bất định còn nhiều trong năm 2021.

PGS.TS. Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng CIEM đưa ra cảnh báo, không nên quá chủ quan, tự mãn trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện biến thể mới.

"Nếu đâu đó có tư tưởng này thì tôi nghĩ sẽ phải trả giá đắt. Chúng ta có thành tựu tăng trưởng tốt trong năm vừa qua nhưng cũng không nên chủ quan. Theo đó, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, dĩ nhiên việc đầu tiên vẫn phải chú ý đến là khống chế và kiểm soát dịch Covid-19. Đừng nên tham bát bỏ mâm, bởi gần đây tôi quan sát thấy dường như có hiện tượng cứ mở toang ra, hàng không khắp nơi, du lịch khắp nơi. Tôi cho rằng, đừng vì lợi ích trước mắt mà phải đi sau giải quyết hậu quả", nguyên Viện trưởng CIEM phát biểu.

Ngoài ra, ông Bá bày tỏ quan điểm: “Từ cổ chí kim, chưa có nước nào giàu lên từ nông nghiệp, nhưng 'phi nông tắc loạn'". Với bối cảnh thế giới sẽ còn chịu nhiều tác động của Covid-19, chịu còn nhiều rủi ro và bất định, ông Bá nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa đến nông nghiệp, lĩnh vực đã là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong năm 2020 vừa qua.

Chuyên đề