Ảnh Internet |
“Đó là thời điểm cực kỳ sợ hãi vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009”, Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết. Tuy nhiên, sự sợ hãi cuối cùng đã được thay thế bằng sự tham lam khi nền kinh tế phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm hàng tỷ USD để kích thích nền kinh tế. Chỉ số S&P 500 tăng gấp 4 lần với thị trường tăng trưởng dài và mạnh thứ hai trong lịch sử. Chỉ số Down Jones cuối cùng cũng tăng lên trên mốc 26.000 điểm.
Câu hỏi lúc này là liệu thị trường tăng điểm có tiếp tục trong năm thứ 10.
Các nhà đầu tư nhanh chóng nhắc nhở rằng cổ phiếu cuối cùng cũng sẽ “quay đầu”, khi những lo ngại về lạm phát và lợi suất trái phiểu tăng lên đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm trong tháng 2, đánh dấu mức điều chỉnh giảm 10% nhanh nhất từ mức cao kỷ lục. Gần đây, chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên sự sợ hãi về một cuộc chiến tranh thương mại. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường tăng điểm.
“Đây chắc chắn là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán. Mọi người sẽ đều thua trong cuộc chiến tranh thương mại”, bà Hooper cho biết.
Dưới đây là một số nguy cơ lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Mỹ:
Chính sách thương mại mạnh tay của Tổng thống Trump
Kế hoạch áp thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã giây ra những nguy cơ về sự trả đũa của Liên minh châu Âu EU và các đối tác thương mại lớn khác.
Theo Jeffery Saut, chuyên gia phân tích đầu tư tại Raymond James, “một sai sót về chính sách lớn” như “áp đặt một loạt thuế quan” có thể sẽ kéo tụt thị trường chứng khoán.
Tổng thống Trump đã làm dịu bớt lập trường đánh thuế ban đầu của mình bằng cách miễn thuế nhôm và thép cho Canada và Mexico. Điều quan trọng là các đối tác thương mại khác sẽ phản ứng như thế nào và liệu ông Trump sẽ có những hành động thương mại mạnh mẽ hơn hay không.
Fed tăng tốc
Phố Wall hoan nghênh kế hoạch của Fed trong việc tăng lãi suất với tốc độ từ từ. Lãi suất thấp giúp cổ phiếu, vốn rủi ro hơn trái phiếu, trong hấp dân hơn. Tuy nhiên, nếu các bằng chứng cho thấy lạm phát đang bắt đầu trở thành một vấn đề, Fed có thể từ bỏ chiến lược đó.
Dự báo suy thoái kinh tế
Nền kinh tế Mỹ đang trong tình trạng tốt, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1% và niềm tin người tiêu dùng cao nhất trong 17 năm. Tuy nhiên sự phục hồi của nền kinh tế là lâu thứ hai trong lịch sử, nhiều nhà kinh tế tin rằng chu kỳ kinh doanh đang ở giai đoạn sau. Gần đây, tỷ phú Ray Dalio cho rằng 70% khả năng suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trước cuộc bầu cử năm 2020.
Hiện tại, chưa có rủi ro nào xuất hiện đủ lớn để có thể khiến Phố Wall hoảng sợ. Với thị trường tăng trưởng gần cao nhất mọi thời đại, các nhà đầu tư rõ ràng đang đặt cược vào sự bùng nổ lợi nhuận của các công ty và sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.