Vươn ra nước ngoài tìm cơ hội kinh doanh là mong muốn của rất nhiều nhà thầu Việt. Ảnh: Lê Tiên |
Với Việt Nam, ngay đầu năm 2019 dự kiến sẽ mở rộng “sân chơi” cho các nhà thầu Việt tham gia vào thị trường 10 đối tác tiềm năng. Một trong những thông tin được các nhà thầu Việt quan tâm nhất hiện nay chính là mức độ mở cửa thị trường của các nước thành viên CPTPP.
Công khai thông tin về đấu thầu
Chương 15 về mua sắm chính phủ (MSCP) thuộc CPTPP yêu cầu, khi Hiệp định có hiệu lực, thị trường MSCP các nước thành viên sẽ mở cửa. Đây được xem là cơ hội quý dành riêng cho các nhà thầu thuộc khối CPTPP, trong đó có các nhà thầu Việt Nam. Chỉ rõ cơ hội này là công bằng giữa tất cả các nhà thầu của các nước thành viên, chương này đưa ra các nguyên tắc chung mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ triệt để về đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử. Cùng với đó, Chương MSCP cũng quy định việc mở cửa thị trường, mỗi nước thành viên có nghĩa vụ quy định rõ các thông tin trong bản chào của mình tại Phụ lục 15-A. “Đây được xem là cánh cửa thị trường MSCP của từng nước thành viên CPTPP để các nhà thầu thuộc khối bước vào tìm kiếm cơ hội kinh doanh”, một chuyên gia đấu thầu nhận định.
Tổng hợp sơ lược các bản chào của 11 quốc gia thành viên thuộc Hiệp định cho thấy, các nước thành viên CPTPP có mức độ phát triển kinh tế khác nhau nên cũng có mức độ mở cửa khác nhau theo lộ trình cụ thể. Điều cơ bản nhất là các thông tin về đấu thầu đều được các nước công bố công khai, minh bạch trên báo giấy hoặc trang tin điện tử với địa chỉ rõ ràng.
Cụ thể, theo Bản chào mở cửa thị trường MSCP của Nhật Bản, ở cấp trung ương, 25 cơ quan thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kế toán Nhật Bản phải tổ chức mua sắm với ngưỡng giá gói thầu quy định. Đó là 100.000 SDR (đơn vị tiền tệ quốc tế do Quỹ Tiền tệ quốc tế phát hành) với gói thầu mua sắm hàng hóa; 4.500.000 SDR với gói thầu dịch vụ xây dựng... Ở cấp địa phương, Bản chào cũng chỉ rõ ngưỡng 200.000 SDR với gói thầu hàng hóa; 15.000.000 SDR với gói thầu dịch vụ xây dựng…
Về thị trường MSCP Canada - quốc gia có tỷ lệ chi tiêu MSCP được xem là lớn nhất CPTPP với khoảng 88% tại 95 cơ quan nhà nước, ngưỡng giá gói thầu được áp dụng ở cấp trung ương là 130.000 SDR với hàng hoá và dịch vụ; 5.000.000 SDR với gói thầu dịch vụ xây dựng. Cơ quan cấp địa phương có ngưỡng giá gói thầu là 355.000 SDR với hàng hóa và dịch vụ…
Ở Malaysia, các cơ quan trung ương tổ chức lựa chọn nhà thầu theo Chương 15 đối với gói thầu hàng hóa ở ngưỡng 1.500.000 SDR trong 4 năm đầu tiên sau khi Hiệp định có hiệu lực; ở ngưỡng 800.000 SDR từ đầu năm thứ 5 đến hết năm thứ 7 sau khi Hiệp định có hiệu lực và xuống mức 130.000 SDR từ đầu năm thứ 8 sau khi CPTPP có hiệu lực…
Chuẩn bị đủ tầm, đủ sức để vươn xa
Các bản chào mở cửa thị trường MSCP của 10 thành viên khác trong CPTPP cho thấy, cơ hội thị trường mua sắm dành cho các nhà thầu Việt là rất lớn. Không để tuột mất cơ hội quý giá này, trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu Việt nhìn nhận, “sân chơi” đang rất lớn và nhà thầu Việt cần chuẩn bị đủ tầm để có thể vươn xa. Ông Phạm Hải Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV U-MAC Việt Nam cho rằng, nhà thầu Việt Nam nếu có đủ năng lực hoàn toàn có thể tiến sâu vào thị trường mua sắm của các thành viên CPTPP. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng khẳng định, vươn ra nước ngoài tìm cơ hội kinh doanh là mong muốn của rất nhiều nhà thầu Việt Nam.
Để chuẩn bị năng lực cho các nhà thầu, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cản trở sự phát triển của DN… Mặt khác, bản thân các nhà thầu cũng phải đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đón bắt cơ hội từ thị trường mua sắm công trong CPTPP.
Thông tin với Báo Đấu thầu cuối giờ chiều 7/12/2018, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Chương trình hành động triển khai CPTPP và bản dự thảo chương trình này dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 12. Để hướng dẫn thực thi Chương MSCP của Hiệp định, việc xây dựng nghị định hướng dẫn nội dung này cũng đang được cơ quan chức năng xây dựng.