Chưa đủ sức răn đe việc hủy thầu tùy tiện

(BĐT) - Pháp luật về đấu thầu chỉ quy định 4 trường hợp được hủy thầu, song trên thực tế, có không ít trường hợp hủy thầu tùy tiện, trái quy định. Câu hỏi đặt ra là, việc bồi thường thiệt hại cho nhà thầu khi hủy thầu không đúng quy định được thực hiện như thế nào? Trách nhiệm của các bên liên quan ra sao?
Việc bồi thường thiệt hại cho nhà thầu khi cuộc thầu bị hủy vẫn chưa được bên mời thầu thực hiện thỏa đáng. Ảnh: Gia Khoa
Việc bồi thường thiệt hại cho nhà thầu khi cuộc thầu bị hủy vẫn chưa được bên mời thầu thực hiện thỏa đáng. Ảnh: Gia Khoa

Nhà thầu luôn là bên yếu thế

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu, có 4 trường hợp hủy thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC; HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Điều 18 Luật Đấu thầu quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 (trường hợp thứ 3 và thứ 4 nêu trên) phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế đấu thầu cho thấy, lý do để hủy thầu có muôn hình muôn vẻ, trong đó có không ít trường hợp hủy thầu tùy tiện, thậm chí có trường hợp bên mời thầu còn “hủy thầu vì không chọn được nhà thầu như ý” khi nhà thầu “ruột” không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT, cuộc thầu xuất hiện nhiều nhà thầu “lạ” mà giá dự thầu lại rất cạnh tranh…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu tư vấn cho biết, đầu năm 2017, nhà thầu này đã trúng 2 gói thầu tư vấn. Sau khi trúng thầu, do không có nguồn vốn nên các dự án này đều không triển khai việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công và cuối cùng là đành phải hủy thầu. Trong vòng 1 năm qua, các nhân sự đề xuất thực hiện 2 gói thầu nói trên gần như đều ở trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước”. Nhà thầu không dám sử dụng nhân sự này cho gói thầu khác vì đã cam kết trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng với chủ đầu tư.

Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc đòi quyền lợi khi bị hủy thầu không chính đáng thì một số nhà thầu đều cho rằng: “Nhà thầu mà kiện chủ đầu tư chẳng khác gì con kiến mà kiện củ khoai”. 

Các cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá, dù pháp luật đã có những quy định rất cụ thể, có chế tài nhưng các cơ quan liên quan, những người có trách nhiệm xử lý thì “mũ ni che tai”, làm ngơ trước các vi phạm.

Có nhiều trường hợp hủy thầu rất tùy tiện, không đúng luật, ví dụ như gói thầu chưa thu xếp được nguồn vốn. Việc tổ chức đấu thầu khi chưa xác định được nguồn vốn là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, thế nhưng chưa thấy cơ quan nào đứng ra xử lý vi phạm này của các chủ đầu tư, bên mời thầu. Và một khi các cơ quan chức năng không làm tròn trách nhiệm của mình thì tình trạng vi phạm trong đấu thầu vẫn có đất để tồn tại, các quy định, chế tài của pháp luật không có hiệu quả răn đe.

TS. Nguyễn Việt Hùng cũng khuyến nghị, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mình, nhà thầu cần phải nắm vững các quy định của pháp luật để có biện pháp bảo vệ mình. Trường hợp cần thiết có thể thuê luật sư thay mình đứng ra tranh đấu, làm các thủ tục tố tụng cần thiết.  

Còn Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho rằng, sở dĩ các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý các vi phạm trong đấu thầu hoặc thờ ơ, hoặc né tránh trước các sai phạm là vì có sự nể nang, “lợi ích nhóm”. Vì thế, ông Truyền cho rằng, rất cần có một cơ quan, đơn vị độc lập với bên mời thầu và chủ đầu tư đứng ra để xử lý, giám sát việc xử lý các vi phạm trong đấu thầu. Như vậy mới bảo đảm việc xử lý các vi phạm có kết quả chính xác, tạo hiệu quả răn đe đối với các hành vi phạm luật, lấy lại niềm tin cho nhà thầu…

Chuyên đề