Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. |
Nhiều lợi thế
Theo ông Hải, những năm gần đây, ngành Xây dựng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về trình độ quản lý lẫn kỹ thuật thi công với năng lực cạnh tranh cao ở một số loại hình công trình như xây dựng như: nhà ở cao tầng, xây đập thuỷ điện, thủy lợi, xây các công trình du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng các tuyến cáp treo... Tính cạnh tranh của Nhà thầu Việt Nam không chỉ ở yếu tố nhân công, mà còn cả về vật liệu xây dựng cũng như dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và các dịch vụ liên quan.
Bên cạnh đó, nhiều tín hiệu cho thấy vận nước đang chuyển sang thời hưng thịnh, đất nước đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Chính phủ lại hết sức quyết liệt và khẩn trương trong việc thực thi các chính sách. Mới đây nhất, chiến thắng của Đội tuyển bóng đá U23 quốc gia Việt Nam trước những đối thủ mạnh của châu Á đang tiếp tức cho kinh tế Việt Nam tiếp tục được những nấc thang phát triển mới.
Nhìn vào tiềm năng của ngành xây dựng Việt Nam, ông Hải cho rằng, ngành xây dựng Việt Nam hiện nay có những lợi thế cạnh tranh và sẵn sàng cho hội nhập với nền kinh tế thế giới.
“Nếu chúng ta chỉ dựa vào thị trường xây dựng trong nước thì tăng trưởng kinh tế có thể bị hạn chế và khó có thể đóng góp hiệu quả cao cho mục tiêu kỳ vọng là trở thành một con hổ kinh tế mới của Châu Á”, ông Hải nhận xét và cho rằng, xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp (tổng thầu xây dựng ở nước ngoài) là một trong những cơ hội để kinh tế có thể phát triển đột phá trong thời gian tới. Khi thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài không những giúp ngành xây dựng Việt Nam mà còn bảo vệ được thị trường nội địa lại vừa phát triển theo kịp trình độ thế giới.
Nâng cao vai trò của các “cầu nối”
Đánh giá cao vai trò của các “cầu nối” thương mại thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho rằng, thời gian qua, các tham tán thương mại đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế đất nước. Năm 2017, nhiều mặt hàng của Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao như: nông sản, thủy sản, da giày, may mặc, đồ gỗ… Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu dịch vụ ngành xây dựng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bởi vậy, ông Hải cho rằng, thời gian tới, các tham tán thương mại cần tích cực làm cầu nối cho doanh nghiệp xây dựng Việt Nam với các nước khác theo cả hai chiều. Cụ thể là các tham tán thương mại vừa cung cấp thông tin thị trường, tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp Việt Nam ra nước ngoài. Mặt khác, các tham tán tìm kiếm những nguồn cung cấp công nghệ, kỹ thuật, thiết bị hỗ trợ cho sự phát triển của ngành xây dựng cùng những ngành liên quan trong chuỗi cung ứng phát triển. Cùng với đó, Bộ Ngoại Giao cần chú ý tạo hành lang pháp lý cho xuất khẩu xây dựng đến các nước khi đàm phán các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương.
Cũng theo ông Hải, ở trong nước, Chính phủ tiếp tục chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chuyên môn hoá sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thuận lợi về các mặt thủ tục hành chính, bảo lãnh, xuất cảnh, chuyển tiền đối với các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng… “Với một chiến lược phù hợp, bài bản, chắc chắn ngành xây dựng Việt Nam, trong đó có xuất khẩu dịch vụ xây dựng sẽ có sự bứt phá”, ông Hải tin tưởng.