Chủ động xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp

(BĐT) - Đợt rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư và soạn thảo các nghị định thay thế vừa qua đã ghi nhận được sự nỗ lực của nhiều bộ, ngành... 
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thể chế kinh tế và dỡ bỏ rào cản kinh doanh
Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thể chế kinh tế và dỡ bỏ rào cản kinh doanh

Song chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh và hiệu lực quản lý nhà nước trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được cải thiện như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. 

Quyết liệt tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Cải cách thể chế nói chung và cải cách hành chính nói riêng là một nhiệm vụ trọng tâm, một trong ba khâu đột phá chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra và tích cực thực hiện trong những năm gần đây. Nhiều biện pháp cải cách thể chế kinh tế và dỡ bỏ rào cản kinh doanh đã được thực hiện như sửa đổi Hiến pháp, ban hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Bộ luật Hình sự…

Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng và an toàn hơn. Điển hình như: ban hành và chỉ đạo thực hiện ba Nghị quyết số 19 (ngày 18/3/2014; 12/3/2015; và 28/4/2016) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Điểm nổi bật, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành tập hợp và rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, soạn thảo các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế và trình Chính phủ ban hành để bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Việc làm này nhằm đánh giá lại những kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quá trình rà soát điều kiện kinh doanh vừa qua.

Điểm đáng ghi nhận là sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự đôn đốc, phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trong rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, soạn thảo các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh thay thế và trình Chính phủ ban hành đúng thời hạn theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Các quy định về kiểm soát điều kiện kinh doanh đã được quy định từ Luật Doanh nghiệp các năm 2000,  2005 và 2014; nhưng lần đầu tiên được đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ.

Về chất lượng, các nghị định “mới” quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đã được ban hành đã có cải thiện, một số điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết đã được bãi bỏ; một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã được sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ đã có một cách làm mới trong quá trình thẩm tra và thông qua các nghị định về điều kiện kinh doanh; cách làm này chưa có trong tiền lệ lập pháp. Chính phủ đã tổ chức cuộc thảo luận, phản biện, đối thoại trực tiếp giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan phản biện chính sách độc lập và cơ quan soạn thảo; đã lắng nghe mọi ý kiến phản biện.

Việc đánh giá, rà soát điều kiện kinh doanh cần được làm thường xuyên và do chính các bộ, ngành chủ động thực hiện

Cải cách, đổi mới thường xuyên

Mặc dù vậy, đánh giá chung, việc rà soát nhằm bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh không hợp lý, xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường chưa thay đổi được cơ bản những bất hợp lý của các điều kiện kinh doanh hiện hành; chưa có đổi mới về tư duy và phương thức quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh và hiệu lực quản lý nhà nước trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện không được cải thiện như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp (ví dụ như: điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng, điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm...). Việc rà soát vừa qua mới chỉ tập trung vào một phần (1/3) tổng số các điều kiện kinh doanh đang áp dụng; mới chỉ tập trung vào rà soát điều kiện kinh doanh đã được ban hành dưới hình thức thông tư. Do đó, còn rất nhiều điều kiện kinh doanh khác chưa được rà soát, đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung.

Nhìn tổng thể, chất lượng của các điều kiện kinh doanh nói chung còn rất nhiều hạn chế, phổ biến như: không rõ ràng, không cụ thể, không tiên liệu trước được, không hợp lý, tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (ví dụ như áp đặt năng lực sản xuất nhất định, quy định số lượng tối thiểu người lao động, phương tiện...), hạn chế sáng tạo và khởi nghiệp (ví dụ như yêu cầu kinh nghiệm làm việc, áp đặt phương thức kinh doanh cơ học...).

Từ đợt rà soát vừa qua, bài học lớn nhất là việc rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh chưa được coi là hoạt động thường xuyên; các cơ quan có liên quan chưa chủ động, tích cực; thành công của rà soát, đánh giá vẫn xuất phát từ yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ và phụ thuộc vào sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc cải cách thể chế và xóa bỏ rào cản kinh doanh chỉ có thể thành công về dài hạn nếu việc đánh giá, rà soát điều kiện kinh doanh được làm thường xuyên và do chính các bộ, ngành chủ động thực hiện, chứ không phải do sức ép của Chính phủ.

Chuyên đề