Chống rửa tiền: Bắt đầu từ đâu?

(BĐT) - Sau hơn 6 năm thực thi Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn, hơn 8.200 giao dịch đáng ngờ với hành vi này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo. Tuy nhiên, chỉ có lác đác đối tượng bị khởi tố với tội danh này. Có ý kiến cho rằng, việc phòng chống rửa tiền cần bắt đầu từ yêu cầu về công khai, minh bạch.
Các giao dịch mua bán trong nền kinh tế hiện nay phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt nên rất khó xác định hành vi rửa tiền. Ảnh: Minh Dũng
Các giao dịch mua bán trong nền kinh tế hiện nay phần lớn vẫn sử dụng tiền mặt nên rất khó xác định hành vi rửa tiền. Ảnh: Minh Dũng

Hàng nghìn giao dịch đáng ngờ

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Sau đó, ngày 4/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật này.

Theo đánh giá của NHNN, sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, việc thực hiện các quy định của pháp luật được các đối tượng báo cáo chú trọng triển khai, số lượng báo cáo giao dịch đáng ngờ (báo cáo GDĐN) do các đối tượng báo cáo gửi cho NHNN tăng dần qua

các năm.

Cụ thể, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, NHNN đã tiếp nhận 8.219 báo cáo GDĐN; số lượng báo cáo GDĐN NHNN nhận được sau khi Luật Phòng, chống rửa tiền và Nghị định 116 có hiệu lực nhiều gấp gần 4 lần so với giai đoạn trước (2006 - 2012).

Từ kết quả phân tích báo cáo GDĐN, từ năm 2013 đến tháng 6/2019, NHNN đã chuyển giao 721 vụ việc liên quan đến 4.438 báo cáo GDĐN cho các cơ quan chức năng.

Để đáp ứng những khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF) và nhu cầu phát triển của công nghệ thông tin, NHNN đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116.

Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là bổ sung yêu cầu đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng, sửa quy định về các tiêu chí xác thực nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi và sửa đổi tăng tỷ lệ sở hữu của cá nhân có quyền chi phối pháp nhân nhằm đáp ứng được chuẩn mực quốc tế về vấn đề này.

Về giao dịch liên quan tới công nghệ mới, để phù hợp với nhu cầu áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tài chính ngân hàng đồng thời phù hợp với thực trạng, năng lực của các đối tượng báo cáo, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi Điểm a Khoản 2 Điều 8 Nghị định 116 theo hướng cho phép các đối tượng báo cáo lựa chọn một trong 2 hình thức. Đó là gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng; trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng.

Trong khi đó, Nghị định 116 yêu cầu “gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin”.

Cần đồng bộ nhiều mặt

Bình luận về các nội dung sửa đổi này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, những sửa đổi như vậy là phù hợp với thực tiễn hiện nay, tuy nhiên, mấu chốt của việc phòng chống rửa tiền là cần thay đổi việc đẩy mạnh giao dịch không tiền mặt, quy định cụ thể về mức vi phạm tối thiểu và những hướng dẫn thực thi cần thực tiễn hơn.

Về các giao dịch thanh toán, theo ông Đức, một trong những khó khăn để xác định hành vi rửa tiền là các giao dịch mua bán trong nền kinh tế hiện nay phần lớn vẫn là giao dịch tiền mặt. “Các giao dịch mua bán tài sản hàng tỷ đồng vẫn diễn ra hàng ngày mà không cơ quan nào biết. Hầu như rất ít vụ việc bị truy tố tội rửa tiền, trong khi đó các vụ việc tham nhũng, tham ô thường liên quan đến tội này”, ông Đức nói.

Về ngưỡng vi phạm, vị luật sư này cho rằng: “Các tội danh khác như ăn cắp, hối lộ, trốn thuế đều quy định rõ về ngưỡng vi phạm, trong khi tội rửa tiền không quy định ngưỡng vi phạm, hay nói cách khác là rửa tiền 1 đồng cũng là phạm tội. Điều này là chưa hợp lý”.

Trong khi đó, Nghị quyết của Toà án Nhân dân tối cao ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền lại dẫn một ví dụ về một trong những cơ sở xác định tội rửa tiền lại đưa số tiền rất cao.

Điểm c, Khoản 4, Điều 2 của Nghị quyết này nêu: “Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có, ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền”.

Theo ông Đức, ví dụ mang tính hướng dẫn trên là không hợp lý, bởi lẽ, chỉ cần người chồng trong trường hợp đó đưa cho vợ số tiền hơn 100 triệu đồng/năm là đã có dấu hiệu đáng ngờ, chứ không phải đến mức hàng chục tỷ đồng mới chất vấn. “Để phòng, chống rửa tiền, cần sự đồng bộ từ mọi mặt về pháp lý, công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng trước hết là công khai minh bạch trong các giao dịch, tài sản và thu nhập của cá nhân, đặc biệt là quan chức”, ông Đức nhấn mạnh.

Chuyên đề