PPP trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới vẫn được xác định là hình thức cần thiết để thu hút nhiều hơn đầu tư tư nhân. Ảnh: Lê Tiên |
Khi đó, nguồn vốn tư nhân hướng vào các công trình kết cấu hạ tầng sẽ có nhiều cơ hội được khơi thông, giải tỏa phần nào bài toán nguồn lực đầu tư.
Muốn thực hiện nhưng vẫn vướng
Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An, việc triển khai thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (NĐ15) trong thời gian qua đã góp phần huy động được nguồn lực đáng kể phục vụ cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng của đất nước. Sở KH&ĐT đã chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Từ đó, tạo điều kiện cho các huyện, ngành và các nhà đầu tư có cơ sở đề xuất dự án đầu tư. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 1 dự án hoàn chỉnh hồ sơ, nhà đầu tư đang triển khai thực hiện; có 6 dự án đã qua sơ tuyển nhà đầu tư, đang lập kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư; 1 dự án đang trong giai đoạn thẩm định kết quả sơ tuyển.
Ông Nguyễn Văn Độ chia sẻ, PPP có nhiều loại hợp đồng, nhưng tại Nghệ An hiện nay đang chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, chỉ có 1 dự án BOT là Dự án Nhà máy Nước Nghĩa Đàn. Trong khi đó, đối với dự án BT, việc thanh toán dự án chỉ được thực hiện bằng quỹ đất. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế thì cần mở rộng phương thức thanh toán cho hình thức này. Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho phép sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Đồng thời, quan điểm là dự án BT phải thanh toán ngang giá, nhưng giá đất tính ở thời điểm trước hay sau khi hoàn thành công trình BT là hoàn toàn khác nhau. Các địa phương hiện lúng túng và muốn làm chặt chẽ trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Độ, quy định về nguồn vốn tham gia thực hiện dự án PPP mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng vốn đầu tư công, trong khi chưa có quy định về việc sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác như tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng…
Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh cũng cho biết một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai PPP thời gian tới. Ông Sử Ngọc Anh bày tỏ, hình thức đầu tư PPP hiện có 7 loại hợp đồng nhưng 2 loại hợp đồng được áp dụng phổ biến là BOT, BT đang vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận, thời gian tới sẽ khó đẩy mạnh và cần có sự rà soát, điều chỉnh. 5 loại hợp đồng khác có tiềm năng, nhưng lại đang vướng mắc trong thực hiện. Ví dụ như đầu tư bệnh viện đang có rất nhiều tiềm năng thu hút nhà đầu tư tư nhân vì các bệnh viện hiện rất quá tải. Nhiều nhà đầu tư thể hiện sự sẵn sàng đầu tư vào bệnh viện theo loại hợp đồng BLT hoặc BTL, nhưng lại gặp vướng về vấn đề phí khám chữa bệnh.
Còn theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hải Phòng Lê Trung Kiên, theo quy định tại NĐ15, đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng một phần vốn đầu tư của Nhà nước không phải phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, mà chỉ phê duyệt chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 136/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng vốn đầu tư công vẫn phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Việc quy định như vậy là chồng chéo, không thống nhất, gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai thực hiện.
Đại diện các địa phương đều thể hiện sự kỳ vọng vào những sửa đổi tại 2 nghị định thay thế NĐ15 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐ30) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đồng thời tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về PPP
Những khó khăn, vướng mắc mà nhiều địa phương phản ánh thực tế đã được Bộ KH&ĐT trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nghị định thay thế NĐ15 và NĐ30 tổng hợp, nghiên cứu và có những sửa đổi để tháo gỡ các nút thắt lớn đang cản trở hình thức đầu tư ưu việt này. Dự thảo hai nghị định thay thế đã đưa ra nhiều quy định mới, tháo gỡ khó khăn về thanh toán cho dự án BT, BLT, đa dạng các nguồn vốn nhà nước tham gia dự án phù hợp với điều kiện thực tế, đơn giản hóa nhiều thủ tục, đồng thời vẫn quản lý chặt chẽ quá trình lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
PPP trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới vẫn được xác định là hình thức cần thiết phải đẩy mạnh để thu hút nhiều hơn nguồn lực đầu tư tư nhân. Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định mục tiêu tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội,… Giải pháp để đạt mục tiêu này là phải hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức PPP theo hướng minh bạch, ổn định, bình đẳng, kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư, rút gọn thủ tục đầu tư, tạo chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi để tăng tính hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.