Chính thức tiếp cận đặc quyền vào thị trường EU

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Tuyến cao tốc hướng Tây” - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức được “thông xe” vào ngày 1/8/2020.
Có hiệu lực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng
kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Có hiệu lực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Hiệp định có hiệu lực là điều kiện quan trọng để Việt Nam tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, từ đó mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cửa đã mở

Phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” diễn ra sáng 31/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, sau quá trình 10 năm đằng đẵng từ đàm phán, rà soát pháp lý đến phê chuẩn, EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Những cam kết trong Hiệp định sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư giữa hai bên.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và biến động thị trường phức tạp, khó lường, ông Vượng kỳ vọng, Hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo Bộ Công Thương, tại Hiệp định, hai bên cam kết xóa bỏ thuế quan cho gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình từ 7 - 10 năm, một số ít các dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%. Hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ và đầu tư hấp dẫn như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics... Đặc biệt, các bên cũng cam kết mở cửa cả những lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững…

Ở khía cạnh đầu tư, theo ông Vượng, trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, với lợi thế từ các FTA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng tình với ý kiến này, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, theo báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI), các doanh nghiệp (DN) châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt, củng cố thêm niềm tin của các DN châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, ông Jean-Jacques Bouflet nói.

Trong một phát biểu gần đây, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, cả EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đều mang đến cho Việt Nam cơ hội trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. So với các nền kinh tế ngang hàng trong khu vực, Việt Nam có lợi thế 7 - 10 năm được tiếp cận đặc quyền vào thị trường EU.

Ưu đãi từ Hiệp định chỉ là yếu tố hỗ trợ

Cơ hội là rất lớn, song phải nhìn nhận rằng, EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, ông Vượng nhấn mạnh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ, yếu tố tiên quyết vẫn là nội lực DN và quyết tâm đổi mới chính mình.

“Hơn lúc nào hết, các DN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại để tận dụng những lợi thế của EVFTA cũng như EVIPA, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế”, ông Vượng yêu cầu.

Theo hướng này, các DN Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thị trường và nắm bắt thông tin Hiệp định, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần tại EU. Đặc biệt, để đẩy mạnh xuất khẩu, DN nên gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với việc chú trọng tìm hiểu thị hiếu, đặc trưng thị trường.

Về thu hút các nhà đầu tư EU, tại Diễn đàn, các ý kiến đưa ra nhiều gợi ý như: Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, Chính phủ, Bộ Công Thương cùng với hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước EU và Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các DN Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh. Đồng thời, Bộ cũng sẽ lựa chọn những DN có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với DN châu Âu.

Một tín hiệu vui là Tesa - một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực sản xuất băng dính công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Đức - đã công bố khoản đầu tư 55 triệu Euro vào nhà máy băng dính ở Việt Nam. Nhà máy này là cơ sở sản xuất thứ 15 của Tesa trên toàn cầu. Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư EU khác cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam…

Chuyên đề